Địa đạo Kỳ Anh: 'Pháo đài trong lòng dân' ở xứ Quảng
Ẩn mình dưới lòng đất tại xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), địa đạo Kỳ Anh hay còn gọi địa đạo 'trong lòng dân' là một trong những công trình quân sự ngầm tiêu biểu nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với chiều dài lên tới 32km, địa đạo không chỉ là nơi ẩn náu, chiến đấu mà còn là biểu tượng kiên cường của ý chí người dân xứ Quảng.

Địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Kỳ tích từ cuốc, xẻng và lòng yêu nước
Được khởi công từ tháng 5/1965, địa đạo Kỳ Anh ra đời hoàn toàn bằng sức người và những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng. Hàng nghìn người dân địa phương, từ bộ đội, du kích cho đến phụ nữ, người già, trẻ em đều tham gia đào địa đạo. Để tránh bị địch phát hiện, địa đạo được đào vào ban đêm, từ 17 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Đất đá được đưa lên khỏi mặt đất rồi đổ vào hầm tránh pháo hoặc tản đi khắp nơi để ngụy trang. Đến năm 1967, một “pháo đài ngầm” dài 32km, rộng khoảng 0,5 - 0,8m, sâu gần 1m đã hình thành dưới lòng đất, uốn lượn theo địa thế từng thôn, xóm.
Địa đạo Kỳ Anh không chỉ là nơi trú ẩn khi bom rơi đạn lạc, mà còn được thiết kế khoa học với nhiều công năng khác nhau như hầm chỉ huy, hầm quân y, hầm trữ lương thực, các ụ chiến đấu bí mật và hệ thống thông hơi được ngụy trang dưới gốc tre, dây leo...
Một điều đặc biệt ở địa đạo Kỳ Anh là nhiều hầm tránh pháo của người dân đều có lối thông ngầm kết nối với hệ thống địa đạo chính. Nhờ đó, khi địch càn quét, lực lượng cách mạng có thể nhanh chóng lẩn vào lòng đất mà không bị phát hiện. Sự sáng tạo của người dân nơi đây đã biến một vùng quê nghèo trở thành căn cứ cách mạng kiên cố, giúp quân ta đánh trả nhiều trận càn quét ác liệt của kẻ thù.
Ông Huỳnh Kim Ta (66 tuổi, ở làng Thạch Tân) cho biết, khác với địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) hay Vịnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Kỳ Anh nằm ngay trong làng, được người dân giấu kín và bảo vệ suốt những năm kháng chiến. Cũng vì thế mà địa đạo này có thêm những tên gọi thân thương như “địa đạo trong lòng đất”, “địa đạo trong lòng dân”, nơi không chỉ giấu người mà còn giấu cả một tinh thần bất khuất.
Theo ông Ta, vị trí đào địa đạo chỉ cách trụ sở chính quyền cũ 7km và cách căn cứ nơi quân Mỹ đóng quân chỉ khoảng 2km nên nơi đây được xem như vùng chiến lược của cách mạng, đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Vì có vị trí quan trọng, nên trong chiến tranh, nơi đây thường bị địch đánh phá rất ác liệt khiến nhà cửa, làng mạc bị tàn phá nghiêm trọng. Ngày ấy, làng chỉ có 140 hộ với hơn 600 nhân khẩu, nhưng có đến 203 liệt sĩ và 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cả xã Tam Thăng có tới 1.252 liệt sĩ và 237 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con số khiến ai nghe cũng rơi nước mắt”, ông Ta xúc động kể.
Những nhánh địa đạo ghi dấu hào hùng
Cũng lời ông Huỳnh Kim Ta, địa đạo Kỳ Anh có nhiều nhánh, bắt nguồn ở mỗi làng nhưng chung quy lại đều có đường thông với nhau.
Đơn cử, ở làng Vĩnh Bình, một nhánh địa đạo bắt nguồn từ giếng nước nhà ông Hồ Kỳ, chia làm ba đường khác nhau, một dẫn vào làng, một vào nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết, nơi có hầm hoạt động cách mạng bí mật dưới nền nhà và một hướng ra sông Đầm, nơi có bãi lau sậy rộng 180ha làm điểm ẩn náu chiến lược.
Đặc biệt, tại làng Thạch Tân, địa đạo lại khởi đầu từ ngôi đình cổ Thạch Tân hơn 300 năm tuổi. Dưới nền đình là hầm cứu thương, hầm trữ lương thực. Ngôi đình cổ không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân mà còn là một căn cứ cách mạng quan trọng, chứng nhân của sự kiện lịch sử phi thường.
Năm 1968, địch nghi ngờ nơi đây là trung tâm đầu não của cách mạng nên đã điều 4 xe tăng đến phá vách tường rồi cột dây xích vào các cột đình để kéo sập. Nhưng điều kỳ lạ xảy ra là cả bốn sợi dây xích quấn vào cột đình đều bị đứt. Ngôi đình đứng vững giữa bom đạn, như minh chứng cho sự kiên trung của đất và người nơi đây. “Sự kiên cố lạ thường của ngôi đình càng làm tăng thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta. Đến hôm nay, trên những cây cột đình làng vẫn còn in hằn vết đạn, dấu tích dây xích kéo. Đó không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là biểu tượng tinh thần không thể khuất phục”, ông Ta nhấn mạnh.
Ngày nay, địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, do chiến tranh và thời gian bào mòn, nhiều đoạn đã xuống cấp. Chính quyền địa phương, ngành Văn hóa và người dân đang nỗ lực phục dựng, bảo tồn để nơi đây trở thành điểm đến giáo dục truyền thống và du lịch lịch sử cho thế hệ mai sau.
Nhiều người đã cảm thán, sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày, những khán giả sau khi rời khỏi rạp phim có thể đặt chân đến vùng đất Tam Thăng, trực tiếp chạm tay vào lòng đất, bước đi trong đường hầm tối, hít mùi ẩm thấp và lắng nghe câu chuyện của những con người từng sống, chiến đấu và hy sinh nơi đây. Bởi lẽ, không có bộ phim nào chạm đến cảm xúc sâu sắc hơn hiện thực. Và cũng ít có địa đạo nào lay động lòng người như địa đạo Kỳ Anh, nơi máu và lòng dân đã hòa quyện làm một.