Đại thắng mùa Xuân 1975 mở đầu hành trình từ Sài Gòn-Gia Định đến Thành phố Hồ Chí Minh trước thời kỳ đổi mới đất nước
Ngày 30/4/1975 lịch sử đã đến từ truyền thống yêu nước, bất khuất của cả dân tộc trải qua mấy ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, hơn trăm năm chống thực dân, đế quốc xâm lược trong thời hiện đại, đặc biệt với dấu mốc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hỏi chiến sĩ, thanh niên xung phong thi công tuyến đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Ảnh: ĐINH CÔNG THÀNH
Sài Gòn-Gia Định mở đầu và kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc của nhân dân ta
Ngày 28/2/1861 thành Gia Định thất thủ, thực dân Pháp bình định Nam Kỳ rồi tiếp tục đánh chiếm Bắc Kỳ và Trung Kỳ: cả nước bị Pháp đô hộ. Dẫu liên tiếp vùng lên không chịu cúi đầu, nhưng tất cả các phong trào khởi nghĩa, kháng chiến, bạo động của các chí sĩ yêu nước, từ Nam Kỳ đến Bắc Kỳ, Trung Kỳ đều thất bại, bị địch dìm trong biển máu. Nguyện vọng của cả dân tộc là phá bỏ xích xiềng nô lệ vẫn bế tắc.
Trong tình hình đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba nhiều nước và tới Pháp tham gia hoạt động chính trị, rồi trở thành thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (năm 1920), dần định hướng con đường cứu nước. Khi đến Liên Xô (năm 1923) nghiên cứu Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, Nguyễn Tất Thành - bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc đã định hình con đường cứu nước: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chỉ 15 năm sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc) và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Nhưng “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam và ngày 23/9/1945, Sài Gòn nổ súng đầu tiên chống thực dân Pháp, rồi ngày 19/12/1946 Bác Hồ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Ròng rã 9 năm chống Pháp rồi tiếp tục 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối cùng kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, nhân dân ta mới hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
10 năm đầu sau 30/4/1975: Khó khăn và thử thách
Đoàn xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố cùng lúc khắp nơi, các lực lượng cách mạng đang phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ cơ sở đến quận, huyện. Rừng người và rừng cờ Mặt trận Giải phóng tung bay rợp trời thành phố. Nhân dân tưng bừng phấn khởi, khí thế cách mạng ngút trời.
Khắp nơi, sinh viên học sinh đổ ra đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, quét rác, xóa tàn tích nô lệ, xóa bỏ “văn hóa” đồi trụy, độc hại. Công nhân hăng hái khởi động tất cả xưởng máy, đặc biệt là giữ cho thành phố không bị mất điện, mất nước sạch, các ngành các cấp đã cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy, chợ búa, cơ sở dịch vụ công ích...
Ở các địa phương nội thành, Ủy ban cách mạng đã mở kho gạo, kho quân nhu của quân đội Sài Gòn để cứu đói cho nhân dân. Sau Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất, cả nước bắt tay vào khôi phục kinh tế. Tháng 7/1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Khắp miền nam nhân dân trở về quê cũ làm ăn, bám ruộng vườn còn in đậm dấu vết chiến tranh tàn phá.
Tháng 7/1977, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khí thế tưng bừng phấn khởi ngập tràn thành phố, thì thất nghiệp tràn lan đã hiển hiện kéo theo nguy cơ nạn đói. Sau giải phóng, toàn bộ chính quyền cũ sụp đổ cũng có nghĩa là hàng trăm ngàn công chức, viên chức mất việc làm, trong khi một triệu quân Sài Gòn rã ngũ (tại thành phố có hơn 400.000 người), cả triệu người thất nghiệp đột ngột, cộng thêm lực lượng công nhân lao động thất nghiệp trước đây và số thanh niên trốn lính, lính trốn... làm cho đời sống nhân dân các thành thị rất khó khăn.
Thất nghiệp và nguy cơ nạn đói là vấn đề cấp bách phải giải quyết. Lãnh đạo thành phố trực tiếp chạy gạo cứu đói, chỉ đạo công ty lương thực thành phố và các đơn vị vượt qua “ngăn sông cấm chợ” mang gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long về cứu đói kịp thời. Phong trào tự nguyện làm công tác xã hội của thanh niên và các tầng lớp đồng bào lên đến đỉnh điểm khi một vạn Thanh niên xung phong ra quân ngày 28/3/1976.
Thanh niên xung phong chính là một tập hợp đa dạng nhất các tầng lớp thanh niên thời điểm bấy giờ bao gồm: công chức và thanh niên quân đội Sài Gòn rã ngũ, công nhân lao động thất nghiệp, học sinh, sinh viên, thanh niên tệ nạn xã hội cũ như: ma túy, mại dâm... và tổ chức đó do cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt.
Các tầng lớp nhân dân thành phố vui mừng động viên con em mình lên rừng xuống biển đi xây dựng kinh tế, vừa có việc làm tự nuôi sống, vừa góp phần cho xã hội vượt qua khó khăn, chuyển một thành phố từ phục vụ chiến tranh và ăn bám viện trợ Mỹ, sang lao động sản xuất tự lực tự cường. Các tỉnh thành miền nam lần lượt tổ chức thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới.
Hòa bình chưa ổn định, bùng nổ chiến tranh biên giới
Công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của quân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu, với một khối lượng công việc bộn bề sau ba mươi năm chiến tranh giải phóng thì cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam lại bùng nổ.
Trong vòng 15 tháng diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới trên địa bàn Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt tiễn đưa các đơn vị thuộc các Trung đoàn: Gia Định, Quyết Thắng, Thi công cơ giới, các đơn vị bộ đội địa phương và Tổng đội 5 Thanh niên xung phong của Thành phố lên tuyến trước biên giới làm nhiệm vụ chiến đấu. Không ít những người con của thành phố mang tên Bác đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tác động nặng nề của hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc cùng với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã làm trầm trọng thêm tình cảnh kiệt quệ của đất nước sau 30 năm kháng chiến cứu nước.
Tính chất và đặc điểm của thời kỳ 10 năm tiền đổi mới (1975-1985)
Quá trình diễn biến lịch sử từ tháng 5/1975 đến trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện rõ tính chất của một giai đoạn quá độ đặc biệt, cũng là sự quá độ đặc trưng cho cả miền nam Việt Nam, với các đặc điểm:
- Quá độ từ chế độ thuộc địa nửa phong kiến và thực dân mới sang bước đầu thời kỳ quá độ lên chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Quá độ từ nhà nước lâm thời thời chiến, chính quyền quân quản, sang nhà nước thống nhất.
- Quá độ của một xã hội thời chiến và bị chiếm đóng, sang một xã hội do nhân dân làm chủ, cơ bản là hòa bình nhưng vẫn còn chịu tác động của chiến tranh và tâm lý tinh thần chưa ổn định.
- Quá độ của nền kinh tế tự do mang tính chất tư bản chủ nghĩa và phụ thuộc nước ngoài sang một nền kinh tế tự chủ, tự túc theo cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp.
Đây cũng là thời kỳ mò mẫm và thử nghiệm các chính sách kinh tế, thời kỳ điều hành quản lý xã hội bằng nghị quyết, chỉ thị là chính, vai trò của chính quyền trong giai đoạn này nặng tính chất chính trị, chưa coi trọng quản lý hành chính và quản lý theo quy luật kinh tế.
Từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp đến kinh tế thị trường
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ tư của Đảng, cả nước thống nhất thực hiện chủ trương “Kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp”. Nhìn lại thời kỳ này, như kết quả kế hoạch năm năm lần thứ hai 1976-1980 cho thấy, tuy có nguồn lực lớn từ bên ngoài chủ yếu là Liên Xô đầu tư vào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều không đạt.
Nền kinh tế dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng, biểu hiện qua một số tiêu chí như sau: sản xuất kinh doanh suy thoái, đình trệ, tăng trưởng thấp, trong khi mức tăng dân số vẫn cao; thiếu lương thực gay gắt. Bình quân lương thực cả nước giảm từ 274kg/người (năm 1976) còn 268kg/người (năm 1980). Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên vựa lúa Nam Bộ nhưng phải ăn độn bo bo, củ mì. Các hộ gia đình đều phải có sổ gạo. Nhà nước phải nhập lương thực; hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng. Giá cả đắt đỏ. Ngân sách thành phố được điều tiết để lại không đủ tiêu dùng và duy trì bảo dưỡng hạ tầng cơ sở kỹ thuật; lạm phát gia tăng hằng năm với tốc độ cao.
Tổng kết thời kỳ 1976-1980, Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng viết: “Năm năm qua, bên cạnh thắng lợi và thành tựu, có rất nhiều khó khăn; và hiện nay, trên mặt trận kinh tế, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề gay gắt. Kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm qua chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi số dân tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội, một phần tiêu dùng xã hội phải dựa vào vay và viện trợ, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy”.
Đến kế hoạch năm năm lần thứ ba (1981-1985), nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng, cao điểm là sau khi việc thực hiện chủ trương “Giá, Lương, Tiền”: Sản xuất đình trệ trên tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế-xã hội; nợ nước ngoài chồng chất, cán cân thương mại quốc tế bị mất cân đối nghiêm trọng, ngoại tệ khan hiếm; lạm phát tăng phi mã, đầu năm 1981 tăng khoảng 40% đến cuối năm 1985 lên đến 587%. Thị trường rối loạn; thất nghiệp trầm trọng, tệ nạn xã hội gia tăng.
Chúng ta cũng nhận thấy rằng, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là cải tạo một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã thực sự hình thành, mà thực chất là “cải tạo” một nền sản xuất nhỏ với một lực lượng tư bản tư doanh đang phát triển và còn trong thời kỳ gây dựng. Chủ trương sai lầm đó là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng như đã nêu trên.
Sau này, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã nghiêm khắc tự phê bình: “Do chưa nhận thức đầy đủ rằng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tương đối dài, phải trải qua nhiều chặng đường, và do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đại hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên.” Và “Nhưng chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh...”.
Ý nghĩa Chiến thắng 30/4/1975
Chiến thắng 30/4/1975 có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và đối với thế giới đương đại. Đó là: Thành công của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” và “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; Thành công của đường lối kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn và đô thị; Thành công của khối đoàn kết toàn dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”; Thành công của nguyên tắc “Đảng lãnh đạo là nguyên nhân của mọi thắng lợi”; Thành công của đường lối chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự của Đảng.
Chiến thắng 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta làm chấn động thế giới, cổ vũ các dân tộc thuộc địa ở: châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á liên tục đứng lên đấu tranh, đòi độc lập chống thực dân cũ Pháp và thực dân mới Mỹ.
Ngày 30/4/1975 trở thành biểu tượng chiến thắng được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Thế giới tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Đại thắng mùa Xuân 1975 mang tính đột phá thời đại: Mở đầu một kỷ nguyên mới “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam”, đồng thời mở đầu thời đại phá sản của chủ nghĩa thực dân cũ, thất bại của chủ nghĩa thực dân mới, mở ra khả năng giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.