'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' - hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam?

Với doanh thu phòng vé đạt kỷ lục, bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' có thể là lời giải cho 'bài toán' khó về nội dung trong điện ảnh Việt Nam.

Nghịch lý phim Việt: Doanh thu cao - chất lượng thấp?

Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện một nghịch lý: Doanh thu phim ngày càng lớn, nhưng chất lượng nội dung không được đánh giá cao.

Mỗi năm, có không ít tác phẩm đạt được doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng bị chỉ trích vì kịch bản lỏng lẻo, khai thác quá nặng về yếu tố giải trí mà thiếu đi sự đầu tư chiều sâu về câu chuyện, thông điệp và nghệ thuật.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: liệu điện ảnh Việt Nam có đang đi đúng hướng khi quá tập trung vào thương mại mà bỏ quên giá trị cốt lõi của một bộ phim?

Đạo diễn Lương Đình Dũng từng chia sẻ: Hiện nay, có nhiều nhà làm phim đang chạy theo xu hướng "thương mại hóa", đặt lợi nhuận lên hàng đầu và đánh đổi chất lượng.

Ông cho rằng, nếu một bộ phim chỉ được làm để phục vụ yếu tố giải trí đơn thuần, khán giả có thể dễ dàng bị thu hút trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều đó sẽ khiến điện ảnh Việt Nam mất đi bản sắc và khó có thể vươn tầm quốc tế.

Tuy nhiên, đạo diễn cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề không nằm ở việc chọn lựa giữa doanh thu và chất lượng, mà ở chỗ các nhà làm phim cần tìm ra cách dung hòa cả hai yếu tố này, để tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa hấp dẫn với đại chúng.

Lời giải cho "bài toán khó" này đã đến với sự thành công của "Đào, Phở và Piano" vào năm 2024. Bộ phim không chỉ nhận được lời khen ngợi về nội dung khai thác những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn đạt doanh thu ấn tượng dù không có chiến dịch quảng bá rầm rộ.

Những nhân vật chính trong phim Đào, Phở và Piano. Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Những nhân vật chính trong phim Đào, Phở và Piano. Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Tuy nhiên, "Đào, Phở và Piano" cũng gặp không ít khó khăn do hạn chế về nguồn vốn đầu tư và khả năng trình chiếu rộng rãi, do là phim có nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Thực tế là, những bộ phim được nhà nước "đặt hàng" như "Đào, Phở và Piano" thường bị giới hạn về suất chiếu và ít được hệ thống rạp thương mại ưu tiên khiến nhiều khán giả khó tiếp cận tác phẩm trong giai đoạn cao điểm.

Hướng đi mới cho điện ảnh Việt?

Tiếp nối "Đào, Phở và Piano", bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tiếp tục chứng minh rằng điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt các bộ phim về thời chiến tranh và khai thác góc nhìn nhân văn, sâu sắc, thay vì chỉ đơn thuần tái hiện lịch sử một cách khô khan.

Dù chưa chính thức ra rạp, "Địa đạo" đã tạo nên một hiện tượng đặc biệt khi thu về hơn 24 tỷ đồng từ các suất chiếu sớm, trở thành tác phẩm hiếm hoi vừa đạt sự đánh giá chuyên môn cao, vừa thu hút đông đảo khán giả.

Một cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Một cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Bộ phim cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi là phim chiến tranh đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân sản xuất mà không cần sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước, chứng minh rằng dòng phim lịch sử hoàn toàn có thể hấp dẫn và thành công trên thị trường nếu được đầu tư đúng mức và có chiến lược quảng bá hợp lý.

Không chỉ dừng lại ở thành công doanh thu, "Địa đạo" còn tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng yêu điện ảnh và giới trẻ. Phim truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh, điều mà ít tác phẩm điện ảnh thương mại khác có thể làm được.

Sự "trỗi dậy" của những tác phẩm như "Địa đạo" cũng là tín hiệu tích cực cho điện ảnh Việt Nam. Nó cho thấy rằng, dù thị trường vẫn đang bị thống trị bởi các bộ phim thương mại, nhưng vẫn còn rất nhiều khán giả mong đợi những bộ phim có chiều sâu, có giá trị nghệ thuật và phản ánh được những câu chuyện quan trọng của lịch sử dân tộc.

Chính vì vậy, việc đầu tư vào các bộ phim mang tính lịch sử và tinh thần yêu nước không chỉ là hướng đi đúng đắn, mà cần được khuyến khích, đẩy mạnh phát triển trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả nhà nước, các nhà làm phim tư nhân và các đơn vị phát hành. Qua đó, đảm bảo rằng những tác phẩm chất lượng có thể tiếp cận với những khán giả trẻ.

Quan trọng hơn, thành công của những bộ phim về lòng yêu nước còn là một lời kêu gọi đến thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp tục phát triển điện ảnh Việt Nam trong tương lai. Nếu có đủ đam mê, sự sáng tạo và tinh thần yêu nước, những nhà làm phim trẻ hoàn toàn có thể tiếp tục hành trình của thế hệ đi trước, tạo ra những tác phẩm xứng tầm, góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" có nội dung xoay quanh tình đồng đội, tình yêu và khát khao tinh thần hy sinh vì Tổ quốc của những người lính tại Củ Chi năm 1967.

Bộ phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ kịch bản, sản xuất trong hơn 10 năm và được Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cùng Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ.

Phú Quý

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-huong-di-moi-cho-dien-anh-viet-nam-381584.html