'Địa lợi, nhân hòa' trong hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng

Với nhiều sự tương đồng cùng những tiềm năng, thế mạnh nổi bật của từng địa phương, việc hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng có nhiều thuận lợi, tạo thêm động lực, nguồn lực phát triển.

Hệ thống giao thông đồng bộ tạo thuận lợi khi hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng. Trong ảnh: Cầu Quang Thanh bắc qua sông Văn Úc kết nối huyện An Lão (TP Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: THÀNH CHUNG

Hệ thống giao thông đồng bộ tạo thuận lợi khi hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng. Trong ảnh: Cầu Quang Thanh bắc qua sông Văn Úc kết nối huyện An Lão (TP Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: THÀNH CHUNG

Nhiều tương đồng, thế mạnh

TP Hải Phòng vốn là một vùng nằm trong xứ Đông, trấn Hải Dương xưa. Vì vậy, tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng có sự tương đồng về phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và văn hóa dân gian, mang bản sắc văn hóa chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cả Hải Dương, Hải Phòng đều nằm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có địa hình chủ yếu là đồng bằng thấp, bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giao thông. Hải Dương có các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành, Ninh Giang và thị xã Kinh Môn nằm giáp với Hải Phòng với đường địa giới hành chính giáp ranh nhau dài 97,8 km. Các quận, huyện, thành phố của Hải Phòng tiếp giáp với tỉnh Hải Dương gồm: An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo.

Khoảng cách từ TP Hải Dương đến TP Hải Phòng chỉ khoảng hơn 50 km. Hệ thống giao thông kết nối giữa hai địa phương rất thuận lợi với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và các quốc lộ 5, 10, 17B.

Hải Phòng là thành phố cảng trọng yếu của Việt Nam với đường bờ biển dài trên 125 km nên giao thông đường thủy cũng vô cùng thuận lợi. Các cảng ở Hải Phòng là những cửa ngõ xuất nhập khẩu của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi để phát triển đường thủy nội địa. TP Hải Phòng còn có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc. Dự kiến, sau sáp nhập, địa phương sẽ đầu tư một tuyến đường mới kết nối Hải Dương - Hải Phòng nên hệ thống giao thông càng thuận lợi, đồng bộ.

TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương có kinh tế phát triển năng động. Hiện nay, cả hai tỉnh, thành phố đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng/năm. Hải Dương và Hải Phòng đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.

Tỉnh Hải Dương hiện có 542 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD, có nhiều khu công nghiệp lớn như Đại An, Phú Thái, Tân Trường, VSIP, An Phát… đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Tỉnh đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.661 ha và một khu kinh tế chuyên biệt dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong khi đó, Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tới khoảng 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị điện.

TP Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Hải Phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại tỉnh Hải Dương đều vận chuyển qua Hải Phòng để xuất khẩu và khoảng 80% nông sản của Hải Dương được lên kế hoạch xuất qua cảng Hải Phòng.

Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố mới được đầu tư quy mô, hiện đại ở TP Thủy Nguyên, nằm ở vị trí trung gian giữa TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương chuẩn bị hoàn thành sẵn sàng đáp ứng yêu cầu làm việc của tổ chức, bộ máy của địa phương khi hợp nhất.

Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới dự kiến có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội với khoảng 660.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Hải Phòng. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới dự kiến có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội với khoảng 660.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Hải Phòng. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến các địa phương không sáp nhập và sáp nhập. Trong đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hải Phòng hiện nay.

Sau hợp nhất, diện tích tự nhiên của TP Hải Phòng (mới) là 3,194.7 km2, đạt tỷ lệ 212,98%; quy mô dân số của thành phố Hải Phòng (mới) là hơn 4,6 triệu người, đạt tỷ lệ 466,41% theo tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương.

Động lực phát triển của cả nước

Đến nay, tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, định hướng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á. Đến năm 2030, định hướng tỉnh Hải Dương sẽ đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Khi hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng sẽ giúp hình thành đơn vị hành chính mới có quy mô lớn, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, tạo thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, tạo kết nối và thúc đẩy phát triển địa phương. Từ đó nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế địa phương, đủ tiềm lực để cạnh tranh với các đơn vị hành chính của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hợp nhất hai địa phương cũng khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt, manh mún, nhỏ lẻ hoặc đầu tư dàn trải, phân tán. Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội với khoảng 660.000 tỷ đồng ; thu ngân sách cũng sẽ đứng thứ 3 với khoảng 140.000 tỷ đồng. Thành phố mới sẽ là một động lực phát triển của đất nước.

Hải Dương và Hải Phòng đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%, Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Nhà máy Ford Hải Dương (ảnh tư liệu)

Hải Dương và Hải Phòng đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%, Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Nhà máy Ford Hải Dương (ảnh tư liệu)

Tỉnh Hải Dương hợp nhất với TP Hải Phòng còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác quy hoạch về hạ tầng, giao thông, tăng nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng sẽ có những chuyển biến tích cực khi hợp nhất hai địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Cùng với tạo ra các động lực phát triển mới, việc mở rộng quy mô đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện giải quyết tốt hơn các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý chất thải, các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Sự tương đồng về các yếu tố tôn giáo, phong tục, tập quán và các mối quan hệ kinh tế, chính trị truyền thống giữa tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng và các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa làm tiền đề cho việc xây dựng các hoạt động du lịch, văn hóa, hỗ trợ phát triển kinh tế…

Sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tạo thuận lợi hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Trong ảnh: Cử tri huyện Kim Thành xem danh sách cử tri đại diện gia đình để cho ý kiến vào Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tạo thuận lợi hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Trong ảnh: Cử tri huyện Kim Thành xem danh sách cử tri đại diện gia đình để cho ý kiến vào Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng có sự thống nhất cao, phối hợp chặt chẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các công việc để hợp nhất hai địa phương. Đặc biệt, với sự đồng thuận cao của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân việc thực hiện hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng chắc chắn sẽ thuận lợi, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Sẵn sàng thích ứng các tình huống

Vợ chồng tôi đều là công chức. Lúc đầu nghe tin hợp nhất tỉnh chúng tôi khá lo lắng nhưng đến nay chúng tôi đã sẵn sàng cho sự thay đổi khi sáp nhập.

Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều làm việc ở Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố mới sau sáp nhập thì tôi sẽ tính đến phương án chuyển nơi ở, nơi học tập của các con.

Vừa qua, khi tỉnh rà soát nhu cầu đi lại, nơi ở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hai vợ chồng tôi đã đăng ký nguyện vọng. Bây giờ đi lại thuận tiện mà mình còn trẻ nên luôn sẵn sàng thích ứng, nhất là khi các cấp, ngành đang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.

Nguyễn Văn Kỳ

Phó trưởng Phòng Hành chính, tổ chức, quản trị, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Mở ra không gian rộng hơn để phát triển

Tôi rất đồng tình với chủ trương hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng vì 2 địa phương có nét văn hóa tương đồng, mở ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế cảng biển và phát huy được những lợi thế của hai tỉnh, thành phố hiện nay.

Cùng với đó, khi tiến hành hợp nhất các xã, phường, thị trấn sẽ tạo điều kiện liên kết, liên thông, liên vùng phát triển.

Đặc biệt, TP Thủy Nguyên sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của thành phố Hải Phòng mới. Thành phố đã và đang chuẩn bị những điều kiện đầy đủ cho sáp nhập, không chỉ hướng đến mục tiêu là trung tâm hành chính - chính trị mà có thể còn là trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu.

Nội dung này cũng đã được nêu rõ trong đề án sáp tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng và đưa ra lấy ý kiến cử tri, được đồng thuận cao.

Ngô Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP Thủy Nguyên (Hải Phòng)

Người dân ở Hải Phòng đồng thuận cao

Tổ dân phố chúng tôi vừa hoàn thành lấy ý kiến cử tri vào Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Cả tổ dân phố có 353 đại diện cử tri thì tất cả đều đồng ý. Điều này cho thấy chủ trương hợp nhất hai địa phương rất đúng đắn, được người dân đồng thuận rất cao.

Tôi mong rằng sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới sẽ phát huy được tất cả các ưu điểm, thế mạnh của hai địa phương cũ để xây dựng quê hương chung phát triển, nâng cao đời sống người dân hơn nữa.

Thời gian tới, tôi nghĩ thành phố có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động để cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương ở Hải Dương với Hải Phòng giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó, nhân rộng những mô hình, cách làm hay ở từng địa phương.

Nguyễn Minh Toàn

Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Đường Mới, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng)

Vợ chồng tôi sẽ cùng một quê

Tôi lấy chồng ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Tỉnh Hải Dương hợp nhất với TP Hải Phòng thì vợ chồng tôi sẽ cùng một quê, thấy rất vui. Khi về chung một đơn vị hành chính nếu gia đình cần làm thủ tục hành chính cũng sẽ thuận lợi hơn bây giờ.

Hiện mỗi mỗi lần về quê gia đình tôi vẫn phải đi qua đò Bầu ở huyện Thanh Hà. Vừa qua, tôi thấy thông tin sau hợp nhất, địa phương sẽ đầu tư xây dựng một tuyến đường mới, rộng lớn đi qua khu vực này tôi rất mừng.

Tôi tin rằng khi về chung "một nhà" cả tỉnh Hải Dương và TP Hải Dương sẽ tiếp tục phát triển hơn, đời sống người dân sẽ ngày càng được nâng cao.

Phạm Thị Xoa

(quê ở huyện Gia Lộc, đang sống tại TP Hải Phòng)

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dia-loi-nhan-hoa-trong-hop-nhat-hai-duong-hai-phong-410012.html