Địa ngục trần gian của người Do Thái
Chẳng thể nói trước liệu có một ngày nào đó, ông có thể thoát ra khỏi nơi này hay không. Bất luận chuyện gì xảy ra, cuốn nhật ký này sẽ là nhân chứng của ông.
Khi đã chắc chắn là chỉ có một mình, Gustav lôi cuốn sổ tay nhỏ và bút chì ra. Ông viết bằng bàn tay xanh xao, gầy guộc: “Đến Buchenwald vào ngày 2 tháng 10 năm 1939 sau chuyến tàu dài hai ngày.”
Đã hơn một tuần trôi qua kể từ vụ bắt giữ khủng khiếp đó, rất nhiều chuyện đã xảy ra. Thậm chí ghi vắn tắt nhất cũng sẽ cần dùng tới hết số giấy quý giá còn lại của cuốn sổ này. Ông cố gắng giấu kín nó, biết rằng nếu bị phát hiện, ông sẽ phải chết. Chẳng thể nói trước liệu có một ngày nào đó ông có thể thoát ra khỏi nơi này hay không. Bất luận chuyện gì xảy ra, cuốn nhật ký này sẽ là nhân chứng của ông.
Ông vuốt phẳng trang giấy và tiếp tục viết “Từ ga Weimar chúng tôi đã chạy tới trại...”
Con trai
Cửa toa xe rít mở, ánh sáng tràn ngập vào bên trong; ngay lập tức những tràng quát tháo inh tai cùng tiếng gầm gừ của chó canh tuôn rào rào. Fritz chớp mắt rồi nhìn xung quanh, choáng váng trước những gì ập vào các giác quan của mình.
Cảm tưởng như đã là rất lâu rồi kể từ lúc Wickerl Helmhacker và đồng bọn của hắn tách Fritz ra khỏi mẹ của cậu. Điều duy nhất an ủi cậu đó là vì cậu chưa được thả, chắc hẳn như vậy có nghĩa là cha của cậu đã trốn thoát an toàn.
Đầu tiên Fritz được đưa tới khách sạn Metropole, trụ sở của Gestapo ở Vienna. Một số lượng lớn nam giới Do Thái đã bị bắt và SS phải tìm đủ cách để có chỗ nhốt họ. Sau vài ngày ở trong phòng giam của Gestapo, Fritz cùng với hàng nghìn người khác đã được chuyển sang sân vận động ở gần công viên Prater. Tại đây, họ bị quản thúc trong điều kiện đông đúc, thiếu vệ sinh trong gần ba tuần. Sau cùng, họ được đưa tới nhà ga Westbahnhof và dồn lên các toa xe chở gia súc.
Hành trình tới Đức kéo dài trong hai ngày. Fritz bị giam cầm cùng rất nhiều người khác, chao đảo trên chuyến tàu xóc nảy và bị chèn ép giữa những người xa lạ kề sát gần bên, một cậu con trai 16 tuổi ở giữa một đám đông những người đàn ông đang lo lắng, nhớp nhúa mồ hôi.
Họ là bất cứ ai mà người ta có thể tưởng tượng ra: Người cha thuộc tầng lớp trung lưu, doanh nhân, người trí thức cùng cặp kính dày, người công nhân râu ria xồm xoàm, người xấu xí, người ưa nhìn, người bệ vệ, người khiếp sợ, người bình tĩnh đón nhận tất cả, người sục sôi căm phẫn, người sợ hãi đến mức tiểu ra quần.
Một số người im lặng, một số người rên rỉ hoặc cầu nguyện, một số khác thì huyên thiên không ngớt. Từng người trong số những người đàn ông này đều có mẹ, có vợ, có con cái, có anh chị em, có nghề nghiệp, có một vị trí trong cuộc đời ở Vienna. Nhưng đối với những kẻ mặc đồng phục bên ngoài toa xe - họ chỉ là một đám gia súc.
“Ra ngoài đi lũ lợn Do Thái. Luôn! Ra, ra hết đi!”
Họ bước ra ngoài, dưới ánh sáng lóa mắt. Một nghìn không trăm ba mươi lăm người Do Thái - hoang mang, giận dữ, bối rối, sợ hãi, sững sờ - từ trên những toa xe chở gia súc đổ xuống dốc vận chuyển hàng hóa của ga Weimar, bước vào một cơn dông của những tiếng chửi rủa, những cú đánh đập và những con chó đang gầm gừ. Một đám đông người dân địa phương đã kéo đến để xem đoàn người được đưa tới; họ đứng phía sau đám lính canh SS, giễu cợt, cười khẩy, chửi bới.
Các tù nhân - rất nhiều người mang theo túi xách, bọc tay nải và thậm chí là va li - bị đẩy đi, đánh đập và quát tháo bắt xếp thành hàng. Từ dốc vận chuyển hàng hóa của ga, họ bị lùa đi vào một đường hầm, rồi khi quay trở ra ngoài trời, họ bị lùa cho chạy như vịt. Đám đông đi theo một quãng dọc theo con phố hướng về phía Bắc.
“Chạy đi, lũ lợn Do Thái, chạy đi!”
Fritz ép đôi chân căng cứng của mình phải chạy. Nếu bất cứ một ai loạng choạng, quay ngang quay ngửa, thậm chí trông có vẻ như đang chạy chậm lại, hoặc nếu nói chuyện với người khác, báng súng sẽ giáng xuống như búa đập vào vai, vào lưng hoặc đầu anh ta.
Những tên lính SS ở đây độc ác hơn bất cứ tên nào mà Fritz từng gặp ở Vienna; chúng thuộc quân số của Totenkopfverbande - những đơn vị Đầu lâu; trên mũ và cổ áo của những kẻ này gắn phù hiệu đầu lâu xương chéo và sự tàn bạo của chúng vượt quá mọi lẽ thường của con người. Những kẻ nghiện rượu, những kẻ tàn bạo với đầu óc dị dạng, méo mó, những linh hồn biến dạng được nhét vào đầu suy nghĩ rằng chúng nắm trong tay vận mệnh của nhân loại và được trao cho quyền lực gần như là vô hạn, được huấn luyện để tin rằng chúng là những là người lính trong một cuộc chiến chống lại kẻ thù bên trong cuộc chiến đó.
Fritz chạy và tiếp tục chạy vào địa ngục của bạo lực, một địa ngục dường như không có lối thoát. Con phố dần nhường chỗ cho cây số nối tiếp cây số đường nông thôn. Các tù nhân bị chế giễu, phỉ nhổ.
Những người vấp ngã, mất sức do tuổi tác, do mệt hoặc do hành lý nặng, lập tức bị bắn chết. Người nào khom người để buộc lại dây giày hoặc ngã gục, xin nước uống sẽ bị bắn chết không một chút do dự.
Con đường, bám theo một con dốc dài, dẫn vào một khu rừng rậm rạp. Ở đó, các tù nhân được chỉ rẽ sang một con đường bê tông mới làm. Những tù nhân kỳ cựu gọi nó là Con Đường Máu. Rất nhiều tù nhân đã thiệt mạng để làm nên con đường đó và máu của họ được hòa cùng với máu của những người mới tới đang bị lùa chạy trên con đường.
Trong lúc đang chạy, hai lá phổi như muốn nổ tung, Fritz nghĩ cậu nhận ra một dáng người mảnh khảnh, dong dỏng cao, thân thuộc ở phía trước mặt. Tăng tốc, Fritz đuổi theo đến nơi. Cậu đã đúng - ở ngay tại đây, vô lý thay, đó chính là cha của cậu! Khó nhọc bám theo hàng, mồ hôi đầm đìa cùng với bọc quần áo nhỏ dự phòng mà Tini lấy cho kẹp dưới nách.
Về phía Gustav, Fritz như thể thình lình từ đâu hiện ra trước mắt ông. Giờ không phải là thời điểm thích hợp để họ tỏ ra ngạc nhiên hay dâng trào xúc động vì được đoàn tụ. Ngậm chặt miệng và cố bám sát lấy nhau, hai cha con họ nhích người, lẩn sâu hơn vào giữa đám đông để tránh những cú đánh bất thình lình, tránh không nghĩ tới những tiếng súng thi thoảng lại vang lên và bám theo đoàn người, chạy lên đồi, tiến ngày càng sâu hơn vào trong rừng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dia-nguc-tran-gian-cua-nguoi-do-thai-post1525673.html