Địa phương 'bắt bẻ' Bộ Công Thương vì sao lại áp hạn ngạch xuất khẩu gạo?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng chủ trương áp hạn ngạch xuất khẩu gạo đã thống nhất từ cuộc họp trước, các địa phương lật lại là tự mâu thuẫn với chính mình.
Sáng nay 22-4, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc liên quan đến công tác điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn - mặn.
Ý kiến mở màn của đại diện tỉnh Long An bày tỏ bức xúc về việc nguồn cung gạo khá dồi dào nhưng lại bị áp hạn ngạch xuất khẩu là không hợp lý. "Năm trước chúng ta ngồi họp với nhau bàn giải pháp làm sao tiêu thụ được nhưng đến nay lại bàn có cho xuất khẩu hay không là không bình thường, nhất là năm nay sản lượng không giảm dù bị hạn - mặn" - đại diện tỉnh Long An nói và khẳng định "hạn ngạch là không nên".
Vị đại diện tỉnh Long An nhận định tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu gạo ở một số nơi tăng lên. Do vậy, Việt Nam nên quan tâm đến thời cơ này. Còn về an ninh lương thực, có thể thực hiện giải pháp giao địa phương lưu kho trên địa bàn tỉnh thay vì mua dự trữ. "Bộ Tài chính đề nghị không xuất gạo tẻ thì có cần thiết không khi cơ bản đã bảo đảm an ninh lương thực rồi? Khi bảo đảm an ninh lương thực rồi còn đặt ra hạn ngạch làm gì?" - ông đặt hàng loạt câu hỏi.
Cơ bản đồng tình với ý kiến của tỉnh Long An, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, đề nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai xuất khẩu, trong đó ưu tiên những tờ khai đã mở trong tháng 3 nhưng chưa xuất được. "Chúng tôi đã chuyển ra cảng 76.181 tấn. Trong đó, hơn 46.000 tấn đã mở tờ khai từ tháng 3" - ông Nam thông tin thêm và cho rằng cuộc họp hôm nay, cần thống nhất làm sao để có thể đưa hàng đi sớm.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhắc lại trong cuộc họp của Thủ tướng với Thường trực Chính phủ ngày 23-3, căn cứ vào số liệu thống kê tổng quát, các cơ quan nhận định có rủi ro lớn về vấn đề cung gạo, an ninh lương thực quốc gia đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng. Cụ thể, tính đến 15-3, đã xuất khẩu 1,3 triệu tấn gạo, tương ứng mỗi ngày xuất 25.000 tấn. Nếu tốc độ này được duy trì, đến cuối tháng 5, có thể xuất thêm 1,8-1,9 triệu tấn gạo bởi thời điểm đó, nhiều nước có chiến lược hút gạo rất lớn từ Việt Nam. Trong khi đó, cân đối cung cầu cho thấy chỉ có hơn 3 triệu tấn trước khi vụ hè thu thu hoạch xong.
"Lúc đó, có 2 yếu tố rất khó xác định là tình hình dịch bệnh và tâm lý của người dân. Bình thường xuất khẩu không sao nhưng khi tâm lý người dân mua gạo dự trữ, nếu mỗi gia đình chỉ mua thêm 20kg thôi, chúng ta lấy đâu ra gạo?" - Thứ trưởng phân trần và nhấn mạnh "rủi ro là có thật, hiện hữu".
Ông cũng bày tỏ cảm ơn khi tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 26-3 tại TP HCM, các địa phương, doanh nghiệp đã đồng lòng chung tay cùng Chính phủ lo vấn đề an ninh lương thực. Bởi vậy, trước ý kiến của địa phương ngày hôm nay, ông nói: "Xin đừng lật lại vấn đề nữa, đó là tự mình mâu thuẫn với chính mình. Việc điều hành hạn ngạch có gì phát sinh thì hôm nay cùng xử lý".
Ông Khánh còn khẳng định cơ quan quản lý sẵn sàng chịu trách nhiệm trước nhân dân trong điều hành xuất khẩu gạo. Nhưng, ông mong được sự chia sẻ của địa phương, doanh nghiệp trước tình huống đặc biệt lần đầu phải đối mặt như hiện nay. Không riêng doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hàng loạt doanh nghiệp các lĩnh vực khác cũng đang bị thiệt hại trong dịch bệnh và sẵn lòng chung tay cùng Chính phủ trong bối cảnh này.
"Đứng ở góc độ nhẹ nhõm ngày hôm nay để bình luận lại quyết định ngày 23-3 là không công bằng" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Ông Khánh đề nghị phân tích theo hướng tình hình sắp tới ra sao? tâm lý dự trữ còn không? tháng 5 tới sẽ quyết định ra sao?... bởi Thủ tướng không hề nói tháng 5 sẽ áp hạn ngạch tiếp tục.