Địa phương bất lực vì văn bản pháp luật thiếu thống nhất!

Nhiều địa phương bất lực vì văn bản pháp luật thiếu thống nhất, chồng chéo, không biết thực hiện thủ tục nào trước thủ tục nào sau...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Thủ tục còn phiền hà lắm!

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019” ngày 26/12, Chủ tịch Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, năm qua Việt Nam đã có nhiều cải cách, đổi mới. Nhưng so sánh trong Asean, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh mới xếp thứ 7, còn với thế giới chỉ ở mức trung bình; Trong khi Quốc hội đã đặt mục tiêu vào nhóm 3-4 trong khối Asean.

Với cuộc cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh bắt đầu năm năm 2016 với việc xóa bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh trong các thông tư, chỉ giữ lại các điều kiện kinh doanh cần thiết và nâng lên cấp lên Nghị định. Đây là làn sóng lớn về cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Làn sóng tiếp theo được thực hiện tiếp trong hai năm 2018-2019. Trong làn sóng này, các bộ ngành báo cáo là đã cắt được 50% điều kiện vô lý, song thực chất đâu đó chỉ quanh 30% vì những điều kiện “nhẹ” đã được cắt đi nhưng những cái “nặng” thực chất vẫn còn đó.

“Hay câu chuyện kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất gian nan. So sánh với thế giới, thủ tục hành chính của chúng ta trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà lắm”, ông Lộc nói.

Ông Lộc lấy ví dụ cải cách trong lĩnh vực thuế. Đây là lĩnh vực được cải cách mạnh nhưng khi so sánh việc tuân thủ các thủ tục thuế của Việt Nam thì vẫn gấp đôi Asean. Điều này cho thấy hành trình cắt bỏ thủ tục hành chính vẫn rất gian nan và còn dư địa lớn.

"Ở đây có vấn đề lớn tôi muốn lưu ý là những điểm mà chúng ta vẫn còn quan ngại trong dòng chảy pháp luật kinh doanh là cách làm và tư duy xây dựng văn bản pháp luật, nhất là cấp thông tư và nghị định, có nhiều văn bản chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư”, chủ tịch VCCI thông tin.

Ông Lộc lấy ví dụ, trong báo cáo do VCCI thực hiện đã chỉ ra Thông tư 02/2019 của Bộ NN&PTNT về ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán Việt Nam, giống vật nuôi tại Việt Nam. Đây là điểm hình về việc bó buộc chủ thể kinh doanh, chưa đúng với tinh thần Luật Đầu tư, gây trở ngại cho ngành chăn nuôi.

Hay còn hiện tượng can thiệp hành chính vào thông tư một cách không hợp lý như cách quản lý mật độ chăn nuôi, hạn chế chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong từng tỉnh, từng huyện….

“Tôi hoan nghênh Thông tư 80 của GTVT khi đã bỏ việc can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc dùng vé giấy hay vé điện tử…”, ông Lộc ghi nhận Bộ GTVT đã có cải cách được các doanh nghiệp hết sức hoan nghênh.

Năm 2020 – năm của làn sóng cải cách thứ 3

Đối với vấn đề được các doanh nghiệp và địa phương hết sức bức xúc là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng trong các văn bản pháp luật kinh doanh, những điểm xung đột trong pháp luật kinh doanh ông Lộc cho rằng không mới mà đã tồn tại từ trước; Đến nay đã được cải thiện nhưng tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau vẫn còn.

Trước sự chồng chéo này, trước đây ở dưới địa phương lãnh đạo tìm cách vận dụng linh hoạt nhưng bối cảnh hiện nay thì khó và không thể vận dụng được.

“Để giải quyết một vấn đề của chính sách, trước đây có chủ tịch tỉnh nói với tôi là có 3-4 con đường nhưng các địa phương, doanh nghiệp cần có một con đường đúng. Khi địa phương hỏi bộ ngành TƯ là con đường nào đúng thì các bộ TƯ trả lời là làm theo quy định pháp luật. Thế nhưng quy định pháp luật thì mỗi nơi quy định khác nhau khiến địa phương và doanh nghiệp rơi vào thế khó”, ông Lộc kể.

Đơn cử như thông tư về đầu tư công, các địa phương đang khó khăn bởi nó gây cản trở cho đầu tư do thiếu nhất quán và có nhiều điểm chưa minh bạch.

Ông Lộc cho biết, có chủ tịch tỉnh nói rằng vì vấn đề thủ tục mà đầu tư chỉ còn 1/3 so với trước, gây khó khăn cho tăng trưởng vì tăng trưởng của ngày mai phụ thuộc vào vào đầu tư của hôm nay. Nên nếu không tháo gỡ sẽ rất khó khăn.

“Chúng tôi đã rà soát 24 luật và các thông tư về đầu tư kinh doanh thì phát hiện 25 điểm chồng chéo về trình tự, thủ tục đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh, đất đai, nhà ở, tài nguyên nước, khoáng sản,...”, ông Lộc nêu.

Các quy định này chưa thống nhất trong cấp giấy phép, chưa rõ thủ tục nào trước thủ tục nào sau, thẩm quyền cấp giấy phép, nhiều cơ quan khác nhau được cấp giấy phép, chồng lấn thủ tục hành chính khi nhiều cơ cùng thẩm định 1 vấn đề, cùng 1 văn bản nhưng giữa các luật lại quy định khác nhau về thời gian giải quyết… nên khiến nhà đầu tư, các địa phương không biết thực hiện thủ tục nào trước, tủ tục nào sau hay có phải thưc hiện không.

Chính sự thiếu nhất quán khiến quá trình thực hiện kéo dài, gia tăng rủi ro về tiền bạc, kinh doanh kém thuận lợi.

Nêu phản ánh từ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, một doanh nghiệp đôi khi phải mất 2-3 năm mới hoàn thành thủ tục để dự án đi vào hoạt động. Thời gian dài như vậy sẽ làm mất tính thời cơ của doanh nghiệp. Họ định sản xuất mặt hàng A để tiếp cận thị trường, nhưng vì chậm đi 2-3 năm khi đó cơ hội thị trường biến mất, thậm chí còn trở thành bẫy cho doanh nghiệp, thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Lộc cho biết, hiện vấn đề chồng chéo pháp luật kinh doanh đã trở thành vấn đề mà các doanh nghiệp và các địa phương cùng kiến nghị phải tập trung giải quyết.

Nhiều địa phương thấy nếu thực hiện theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp thì có nguy cơ trái luật nhưng nếu thực hiện đúng luật thì chồng chéo, có khi không thực hiện được. Các địa phương phải sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người dân, cho doanh nghiệp nhưng hiện nay họ đã bất lực trước sự thiếu thống nhất của một số văn bản pháp luật.

"Chúng tôi kiến nghị rà soát tổng thể các văn bản pháp luật. Năm 2020, chúng ta kỳ vọng sẽ có làm sóng cải cách lớn thứ 3 trong môi trường kinh doanh. Làn sóng này mang tên là gì thì tôi muốn đặt tên là làn sóng 25, tức là 25 văn bản pháp luật chồng chéo mà VCCI cũng như các địa phương đã chỉ ra", ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ rất chú ý lắng nghe. Đây là điểm sáng quan trọng của cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam. “Chiều qua khi họp với Thủ tướng tôi đã đề nghị trong chương trình nghị sự năm 2020 là xóa bỏ những bất cập của sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật kinh doanh nói trên”, chủ tịch VCCI cho hay.

Trước đây, các Hiệp hội, VCCI ngồi với nhau cả tháng trời mới đưa ra được các văn bản và các điều kiện kinh doanh phải cắt giảm. Còn lần này phạm vi thực hiện rộng hơn vì không chỉ ở thông tư, nghị định mà còn liên quan tới luật. “Nếu bất hợp lý thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói Chính phủ báo cáo sớm để giải quyết. Tôi coi đó là làn sóng tiếp theo làn sóng cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam”, ông Lộc nói.

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dia-phuong-bat-luc-vi-van-ban-phap-luat-thieu-thong-nhat-d447001.html