Địa phương gặp khó để đạt mục tiêu của Chính phủ trong công tác phân luồng

Theo một số địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở còn khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.

Chỉ còn vài tháng là đến thời điểm các địa phương cần có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 30% đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đại diện một số địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Nhiều lý do khiến công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở gặp khó khăn

Thông tin về việc thực hiện mục tiêu của Đề án trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, trong năm học 2023-2024, tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của năm học trước liền kề (năm học 2022-2023) trên địa bàn toàn tỉnh là 10.893 học sinh.

Trong đó, số lượng học sinh vào những trường trung học phổ thông (công lập và ngoài công lập) là 9.390 học sinh (chiếm tỷ lệ 86,2%), số học sinh vào học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ, Tin học tỉnh và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện (vừa học văn hóa, vừa học nghề) là 674 học sinh (chiếm tỷ lệ 6,19%), số học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh là 551 học sinh (chiếm tỷ lệ 5,06%).

 Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đắk Nông).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đắk Nông).

Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông) là chưa đảm bảo so với yêu cầu đã đặt ra vì một số nguyên nhân.

Thứ nhất, phần lớn bậc cha mẹ học sinh có nguyện vọng, mong muốn cho con em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học ở trường trung học phổ thông để có nhiều cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, một bộ phận gia đình học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở không tiếp tục đi học mà lựa chọn những công việc lao động phổ thông để nuôi sống bản thân và gia đình.

Thứ hai, công tác giáo dục hướng nghiệp của tỉnh còn hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện công tác kiêm nhiệm chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học nghề nghiệp cũng như việc dự báo nhu cầu sử dụng lao động các ngành nghề chưa được cập nhật thường xuyên. Từ đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phân luồng học sinh.

Thứ ba, hiện hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Đắk Nông chưa có nhiều, chỉ có 06 cơ sở. Hơn nữa, chất lượng và hiệu quả đào tạo lại chưa cao, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo những ngành nghề mới hiện nay.

Không những vậy, sự liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đối với việc sử dụng nhân lực vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một số học viên sau khi tốt nghiệp các trường và trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, hoặc thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo. Đây cũng chính là một trong những khó khăn của địa phương khi thực hiện công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông.

Theo thầy Nguyễn Văn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, những năm trước, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký vào trường là tương đối cao, dao động từ 350 đến gần 500 em.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây số học sinh vào trường lại có xu thế giảm nhẹ. Thầy Ngọc lý giải, thực trạng này là do một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn mở thêm các điểm đào tạo hệ này.

Hơn nữa, những trường trung học phổ thông ngoài công lập tại địa phương đang tăng quy mô tuyển sinh; trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tăng cường đẩy mạnh công tác tuyển sinh và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh lại có quyết định tăng chỉ tiêu vào các trường trung học phổ thông công lập.

Những thực tế trên đã ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây.

Hơn nữa, thầy Ngọc cho hay, hiện nay, đa số phụ huynh học sinh vẫn chưa hiểu hết bản chất và những lợi ích của việc học nghề. Hầu hết đều có tư tưởng cho rằng học yếu, học kém văn hóa không vào được trường trung học phổ thông mới cho vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, nếu phụ huynh hiểu được bản chất năng lực của con em mình và vấn đề sở trường, sở thích của mỗi người khác nhau thì có hiểu rằng không chỉ những em có học lực kém mới chuyển hướng học nghề. Bởi trên thực tế, những em có năng khiếu, sở thích, sở trường, đam mê cũng có thể đi học nghề. Muốn khắc phục được tình trạng này, chúng ta phải tuyên truyền được cho phụ huynh học sinh hiểu và định hướng được cho con em mình nhằm giúp các em có lựa chọn đúng và trúng.

Bên cạnh đó, theo thầy Ngọc, thực trạng nhiều em học sinh lo ngại chưa đủ tuổi làm việc theo Luật lao động sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp là không cần thiết. Bởi, điều quan trọng là chúng ta định hướng được cho các em xác định được mục tiêu việc làm sau khi tốt nghiệp trình độ này.

Trong khi đó, theo thầy Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, số học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại nhà trường đang có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh được khoảng 70% chỉ tiêu đặt ra.

Xét về mặt bằng chung trên địa bàn, thầy Sáng bày tỏ, mặc dù công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thể đạt được như kế hoạch, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra nhưng cũng đã có chuyển biến tích cực.

Sự gia tăng này chủ yếu do nhận thức của một bộ phận phụ huynh và học sinh đã có thay đổi là cần có nghề thật để đi làm thật lại tiết kiệm được chi phí học tập.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng xây dựng, ban hành danh mục vị trí việc làm là vị trí nào cần trình độ đại học, cao đẳng hay trung cấp. Do đó, có những vị trí họ rất cần những lao động trình độ trung cấp thay vì trình độ cao hơn.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh khó khăn vào học tại trường nghề

Với những khó khăn trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông cho biết đã thực hiện một số giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch theo lộ trình.

Trước hết, ngành giáo dục đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình số 75-CTr/TU ngày 11/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Kế hoạch số 399/KH-UBND ngày 20/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về triển khai thực hiện Chương trình số 75-CTr/TU ngày 11/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý cho ngành giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh công tác phần luồng.

Hơn nữa, Sở đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đến toàn thể học sinh, cha mẹ học sinh và mọi người dân. Việc làm này nhằm giảm bớt tâm lý nặng về bằng cấp, từ đó thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi để thu hút số người đi học nghề đông đảo hơn.

 Học sinh Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Không những vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cũng chỉ đạo tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; những trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh để tư vấn về giáo dục hướng nghiệp, qua đó định hướng phân luồng cho học sinh. Chỉ đạo tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh kiểm tra, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh, qua đó giúp học sinh hiểu đầy đủ hơn về năng lực của bản thân. Việc làm này giúp cho những em có năng lực phù hợp sẽ được nhà trường tư vấn vào học tại trường trung cấp nghề.

Ngành giáo dục tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp giáo dục hướng nghiệp, hình thức tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng.

Ngoài ra, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đã quán triệt các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hướng dẫn giáo viên thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra định kỳ theo ma trận; tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả khâu ra đề, coi, chấm, nhận xét và đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Bởi, việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh một cách chính xác sẽ giúp học sinh hiểu đầy đủ hơn về khả năng, năng lực học tập của chính bản thân mình, tránh gây ngộ nhận cho phụ huynh học sinh về thành tích học tập của con em mình.

Từ đó, nhà trường có thể tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh nào có học lực, năng lực phù hợp tham gia học tập tại các trường ngoài công lập hoặc học tập tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp nghề.

Có thể thấy, việc thực hiện đánh giá, xếp loại học lực của học sinh chính xác là một trong những giải pháp quan trọng để công tác phân luồng đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện những giải pháp trên.

Trên thực tế, tỉnh Đắk Nông là một tỉnh miền núi, biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, học vấn còn nhiều chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh, ngân sách đầu tư cho giáo dục đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế.

Những điều kiện kinh tế - xã hội này đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, tác động đến việc triển khai thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Quyết định số 522/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" là một chủ trương đúng đắn của của nước ta nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng lao động trực tiếp qua đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Theo kế hoạch, đến năm 2025 các địa phương có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để làm được việc này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết, nắm bắt được về chính sách, lợi ích của việc học nghề.

Không những vậy, cần có những chương trình tư vấn và định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh và phụ huynh về giá trị của giáo dục nghề nghiệp, những thông tin về ngành nghề và cơ hội việc làm sau đào tạo.

Ngoài ra, cần có thêm những chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để khuyến khích học sinh theo học tại các trường nghề như những học bổng, trợ cấp chi phí học tập, hoặc hỗ trợ đào tạo.

Để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trường nghề được thực sự hiệu quả, thầy Đặng Văn Sáng cho rằng, phải quản lý chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học.

Theo thầy Sáng, công tác phân luồng là vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia mà tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương cần quyết liệt thực hiện từ việc đưa ra báo cáo đến những kế hoạch cụ thể,…

Có thể thấy rằng, nếu công tác này được làm tốt, đất nước ta sẽ có được đội ngũ lao động đáp ứng kịp thời cho thị trường lao động. Trên thực tế, rất nhiều học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có thể làm việc ở những vị trí phù hợp tại một số quốc gia phát triển.

Trong khi đó, nếu không phân luồng tốt, chúng ta có thể phải tiến tới nhập khẩu lao động từ một số quốc gia khác để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dia-phuong-gap-kho-de-dat-muc-tieu-cua-chinh-phu-trong-cong-tac-phan-luong-post244873.gd