Địa phương khó tuyển dụng giáo viên vì yêu cầu Luật mới vượt xa thực tiễn (1)
Trước khi áp dụng Luật Giáo dục 2019 thì nên có hướng dẫn cụ thể hoặc cho thời hạn 3-4 năm nhằm có sự chuẩn bị kỹ càng, tránh tâm lý tiêu cực cho đội ngũ.
Địa phương “đau đầu” khi áp dụng Luật mới
Trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang xảy ra ở Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh thành khác, các địa phương này đã lên kế hoạch thi tuyển, xét tuyển, ký hợp đồng với giáo viên...
Tuy nhiên, có một vấn đề vướng mắc là Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ của nhà giáo mầm non có trình độ cao đẳng, tiểu học và trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên.
Trong khi tại các thông tư liên tịch số 20, 21 và 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Nội vụ vào năm 2015 quy định, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm, trung học cơ sở có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên.
Người dân rất quan tâm Luật Giáo dục, lùi thời hạn thông qua đến năm 2019
Nên nếu áp dụng ngay Luật Giáo dục sẽ thiệt thòi cho nhiều thí sinh được đào tạo theo đúng bậc học, đúng tiêu chuẩn như trước đây.
Nếu chiếu theo quy định mới thì nhiều giáo viên sẽ không đạt chuẩn để tham gia thi tuyển hoặc ký hợp đồng giảng dạy theo Nghị quyết 102 của Chính phủ.
Trước tình hình này, mỗi địa phương lại thực hiện theo một kiểu khác nhau.
Cụ thể như Quảng Ngãi kiến nghị đề xuất cho áp dụng theo chuẩn như Thông tư liên tịch, sau khi trúng tuyển sẽ cho giáo viên đào tạo lại theo đúng chuẩn quy định trong Luật Giáo dục mới.
Còn Quảng Nam thì chấp nhận “xé rào”, cho ký hợp đồng dưới chuẩn để có đủ đội ngũ giáo viên.
Nhiều giáo viên không đủ điều kiện dự thi
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2020 với tổng chỉ tiêu là 1.072.
Trong đó, bậc mầm non là 334 chỉ tiêu, bậc tiểu học 429 chỉ tiêu, trung học cơ sở là 253 chỉ tiêu và trung học phổ thông 56 chỉ tiêu.
Thiếu giáo viên, địa phương kiến nghị Bộ trưởng Nhạ cho phép hợp đồng lao động
Đón nhận thông tin này, nhiều giáo viên vui mừng vì sau bao năm dạy hợp đồng, họ sẽ đứng trước cơ hội được tuyển dụng chính thức.
Nhưng cùng với đó, nhiều giáo viên bậc mầm non và tiểu học lại lâm vào tình cảnh khó khăn, có nguy cơ mất việc khi đối chiếu với quy định chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục.
“Mình đi dạy hợp đồng hơn 5 năm nay với hy vọng sẽ có ngày được tuyển dụng. Nhưng quy định mới bắt buộc phải có bằng Cao đẳng mới đủ điều kiện dự tuyển giáo viên mầm non.
Nhiều cô giáo khác trong trường cũng chỉ có bằng trung cấp sư phạm nên cũng không làm hồ sơ dự tuyển đợt này.
Nếu ngành giáo dục tuyển đủ giáo viên thì chắc những giáo viên hợp đồng như mình sẽ sớm mất việc”, cô giáo Nguyễn Thị Lan (một giáo viên mầm non ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) chia sẻ.
Cũng như cô Lan, nhiều giáo viên tiểu học ở huyện Trà Bồng cũng thấp thỏm lo lắng khi không đủ điều kiện để xét tuyển theo Luật mới.
“Với trình độ Cao đẳng sư phạm thì suốt hơn 10 năm qua, chúng tôi đã hoàn thành việc giảng dạy ở những trường xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh.
Công việc luôn bận rộn, trường học ở vùng xa nên tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác không có điều kiện để học lên.
Bao hy vọng sẽ được xét tuyển trong đợt này giờ rất mong manh. Chỉ mong cơ quan chức năng có phương án để hỗ trợ cho những giáo viên như chúng tôi”, cô Huỳnh Thị Vân (giáo viên một trường tiểu học ở Trà Bồng) lo âu.
Theo một vị trưởng Phòng Giáo dục ở Quảng Ngãi thì chính sự thay đổi đột ngột trong Luật giáo dục so với các Thông tư liên tịch khiến nhiều giáo viên không kịp “trở tay”.
Để đạt chuẩn trình độ mới, giáo viên sẽ rất nỗ lực vừa dạy vừa theo học các lớp nâng chuẩn nhưng cơ hội được xét tuyển lần này cũng rất mong manh. Điều này đã vô tình gây áp lực và tâm lý lo lắng cho nhiều giáo viên đang giảng dạy ở các trường.
Quảng Ngãi yêu cầu rà soát lại tình trạng thiếu giáo viên
Tương tự, vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng xảy ra tại các trường học.
Tuy nhiên, một điều nghịch lý là số lượng đăng ký dự thi khá thấp so với chỉ tiêu cần tuyển dụng. Lý do là nhiều giáo viên không đủ điều kiện quy định về bằng cấp như Luật giáo dục quy định.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, hiện tỷ lệ giáo viên hợp đồng dưới chuẩn của địa phương này ở bậc tiểu học chiếm đến gần 40% còn mầm non gần 50%. Nếu cứ áp dụng theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì không thể có đủ giáo viên để đứng lớp.