Địa phương nào còn giáo viên hợp đồng, địa phương đó đang vi phạm pháp luật?
GDVN- Phải chăng chế độ trả cho giáo viên hợp đồng rẻ mạt, nên các địa phương muốn hợp đồng với giáo viên mà không muốn tuyển dụng vào biên chế?
Tại thời điểm tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 86 nghìn giáo viên.
Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 45.000 giáo viên; tiểu học thiếu hơn 18.800 giáo viên; trung học cơ sở thiếu hơn 11.700 giáo viên; trung học phổ thông thiếu hơn 10.500 giáo viên so với định mức quy định.
Các địa phương thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học, gồm:
Hà Nội thiếu gần 2.400 giáo viên mầm non, hơn 3.580 giáo viên tiểu học; Thành phố Hồ Chí Minh thiếu hơn 2.480 giáo viên mầm non, hơn 2.250 giáo viên tiểu học; Nghệ An thiếu hơn 4.800 giáo viên mầm non, hơn 1.280 giáo viên tiểu học…vv. [1]
Thiếu giáo viên, để duy trì dạy và học, các địa phương ký hợp đồng với giáo viên hoặc cho giáo viên dạy kê tiết, tăng tiết.
Tại sao các địa phương lại hợp đồng với giáo viên mà không tuyển dụng?
“Mỗi tháng trước đây là 1,3 triệu tiền lương mà bị cắt hợp đồng, mất việc làm. Bây giờ chỉ có một số người được mời thỉnh giảng với số tiền từ 19.400 đồng đến 30.000 đồng/ tiết”.[2]
Phải chăng chế độ trả cho giáo viên hợp đồng quá rẻ mạt, nên các địa phương muốn hợp đồng với giáo viên mà không muốn tuyển dụng?
Với đồng lương “không tin được dù đó là sự thật” trả cho giáo viên hợp đồng, các cơ sở giáo dục đang ký hợp đồng có biết thực tế thầy cô giáo hợp đồng đang sống như thế nào không?
Tình đồng nghiệp, tình đồng chí, tình đồng bào, lòng nhân ái yêu thương liệu có còn để làm tấm gương cho người khác noi theo trong các cơ sở giáo dục?
Nếu không vì mong ước được tuyển dụng vào biên chế, 100% giáo viên hợp đồng chẳng ai dạy hợp đồng với mức thù lao “tượng trưng” như thế.
Nếu so sánh với những đối tượng lao động theo “hợp đồng 68”, thầy cô giáo ngậm ngùi cay đắng cho phận giáo viên hợp đồng của mình hơn.
Tại thời điểm 15/7/2020, toàn Thành phố Hà Nội có 5.349 chỉ tiêu giáo viên cần tuyển nhưng có 2.034 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách. [3]
Như vậy có thể hiểu đơn giản từ ngày 15/01/2019 Thành phố Hà Nội có ít nhất 2.034 giáo viên dạy hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập cho đến 15/7/2020.
Hợp đồng giáo viên, các cơ sở giáo dục công lập đang vi phạm pháp luật?
Ngày 29/11/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực từ 15/01/2019.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP có ghi: “Điều 3. Các công việc không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:
a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên....”. [4]
Giáo viên hợp đồng, một nghề vô thừa nhận?
Giáo viên là những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
Như vậy sau khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ sở giáo dục công lập đang vi phạm Nghị định 161 khi còn có hợp đồng với giáo viên, ngoài ra còn trái với đạo đức xã hội nếu trả trả lương cho người lao động không đủ sống mức tối thiểu, bằng lương tối thiểu vùng.
Tuyển giáo viên không khó vì nguồn sinh viên sư phạm ra trường hàng năm dồi dào và lượng giáo viên đang hợp đồng trong các cơ sở giáo dục không ít.
Vấn đề đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tuyển giáo viên để đảm bảo đủ biên chế đã được duyệt?
Những người vi phạm Nghị định 161/2018/NĐ-CP trong các cơ sở giáo dục công lập từ ngày 15/01/2019 đến nay sẽ phải xử lý kỷ luật như thế nào?
Chỉ còn hơn một tháng nữa là vào năm học mới, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cần có văn bản chấn chỉnh, không thể để tình trạng vi phạm Nghị định 161/2018/NĐ-CP trong cơ sở giáo dục công lập tiếp tục tái diễn.
Lâu nay sở dĩ có tình trạng không ít địa phương ồ ạt tuyển dụng, ồ ạt sa thải giáo viên hợp đồng có lẽ là do cố tình vận dụng không đúng tinh thần Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ: Thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Điều 1 của nghị định này quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp:
1. Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
2. Lái xe; 3. Bảo vệ; 4. Vệ sinh; 5. Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 6. Công việc khác.
Giáo viên là những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên, không phải một loại công việc vô danh để có thể xếp vào "công việc khác" theo Điều 1, Nghị định 68/2000/NĐ-CP.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-377439/
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-hop-dong-19-400-dong-1-tiet-thi-song-the-nao-post210210.gd
[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ha-noi-noi-ve-viec-tuyen-dung-dac-cach-giao-vien-hop-dong-658000.html
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Nghi-dinh-161-2018-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-cong-vien-chuc-thuc-hien-che-do-hop-dong-336803.aspx