Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

Giải trình về một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trong Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) có nhiều điểm tương đồng với Luật Tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên, cốt lõi của dự thảo tập trung vào ba vấn đề chính.

Thứ nhất, cần phân định rõ ràng, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho chính quyền địa phương, nhằm thực hiện phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư: "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm." Đây là yếu tố nền tảng, cốt lõi nhất của dự án.

Thứ hai, xây dựng cơ chế pháp lý vững chắc, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tháo gỡ những vướng mắc, nghẽn hiện tại trong các luật chuyên ngành. Điều này nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Nếu không giải quyết được vấn đề này, việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Để báo cáo các đồng chí, hiện nay có 177/259 luật chuyên ngành quy định rất cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, và có sự chồng chéo với 92 luật quy định cả ba cấp chính quyền. Nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng để tháo gỡ những vấn đề này, chúng ta sẽ rất khó thực hiện công tác phân quyền, phân cấp hiệu quả.” Bộ trưởng cho biết thêm. Bà cũng đề xuất sửa đổi căn bản và toàn diện các quy định này, tuy nhiên cũng cần duy trì một số ổn định để đảm bảo sự vận hành suôn sẻ của chính quyền địa phương trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thứ ba, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bà cho biết Ban soạn thảo đã nghiên cứu và thiết kế dự thảo dựa trên các nguyên tắc chung của Hiến pháp, cũng như các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cần phải điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả và hiệu năng trong quản lý hành chính.

“Chúng tôi đang đi theo hướng này, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện thêm, đặc biệt là về quản trị địa phương, quản trị quốc gia. Đây là những vấn đề không mới, nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống chính quyền địa phương. Việc vận hành chính quyền địa phương cần phải đảm bảo sự tham gia của nhiều bên, từ Nhà nước đến thị trường, xã hội, các tổ chức và công dân, để thúc đẩy sự phát triển đất nước.”

Thứ tư, về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, bà nhấn mạnh mục tiêu là xây dựng một hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, đồng bộ. Chính quyền địa phương cần có cơ chế chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo sự tương tác, trách nhiệm rõ ràng giữa các chủ thể trong việc phân quyền, phân cấp, và ủy quyền.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến về việc phân cấp thủ tục hành chính, đảm bảo rằng các quy định về thủ tục phải gắn liền với thực tiễn phân cấp và phân quyền. Vấn đề này đã được đề cập bởi nhiều đại biểu, và cần được thể hiện rõ trong luật.

Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh dự thảo Luật để hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nhằm tránh sự chồng chéo và đảm bảo tính minh bạch trong vận hành chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết phiên thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) đã có 19 đại biểu phát biểu và 1 ý kiến tranh luận. Các đại biểu đã làm việc khẩn trương, với không khí thảo luận sôi nổi và trách nhiệm cao. Nội dung các ý kiến phát biểu rất thiết thực và cụ thể, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ.

Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền, và ủy quyền rõ ràng, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Một vấn đề quan trọng được đưa ra là phân cấp thủ tục hành chính phải phù hợp với nội dung phân cấp, phân quyền và khác biệt với thủ tục hành chính trước đó.

“Về vấn đề này, tôi ghi nhận ý kiến của các đại biểu Thu Hà và Phương Thủy, hai đại biểu đều đồng tình với việc giao quyền cho địa phương trong việc ban hành thủ tục hành chính, nhưng với các cách tiếp cận khác nhau. Việc này đã từng gặp khó khăn trong thực tiễn, như ví dụ về Khánh Hòa không thể thực hiện phân cấp về biển do vướng mắc thủ tục hành chính. Chúng tôi sẽ tiếp thu và sửa đổi để phù hợp hơn trong Dự án Luật”, Phó Chủ tịch phát biểu đồng thời nhấn mạnh: các đại biểu đã thể hiện tư duy đổi mới rất mạnh mẽ, ủng hộ sự phát triển và quyết tâm đưa đất nước bước vào giai đoạn mới. Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu và hoàn thiện dự thảo luật, nhằm trình Quốc hội thông qua với chất lượng cao nhất.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dia-phuong-quyet-dia-phuong-lam-dia-phuong-chiu-trach-nhiem-160516.html