Dịch bệnh giáng đòn vào các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com vừa báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục vì làn sóng Covid-19 mới.

Theo CNBC, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com đều chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu thấp chưa từng có. Nguyên nhân là làn sóng Covid-19 mới và cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ nước này.

Kể từ mùa thu năm 2020, giới chức Trung Quốc đã nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn nhằm ngăn chặn những hành vi độc quyền. Làn sóng Covid-19 mới cũng tạo thêm áp lực cho tăng trưởng. Các hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần.

Theo báo cáo quý I/2022 được gã khổng lồ thương mại Alibaba công bố hôm 26/5, các đợt đặt hàng trực tuyến đã lao dốc trên 2 nền tảng mua sắm chính tại Trung Quốc.

 Doanh thu quý I/2022 của Alibaba ghi nhận mức tăng trưởng thấp chưa từng có. Ảnh: Reuters.

Doanh thu quý I/2022 của Alibaba ghi nhận mức tăng trưởng thấp chưa từng có. Ảnh: Reuters.

Doanh số bán lẻ lao dốc

Theo Wind Information, tổng doanh thu của công ty tăng 9% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, mức thấp chưa từng có.

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu quý I của cả Tencent và JD.com đều chứng kiến mức tăng trưởng thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn tốt hơn dự báo trước đó của giới quan sát. Sau khi báo cáo được công bố, giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng gần 15% trên sàn New York.

Tại Mỹ, giá cổ phiếu của JD.com tăng 5%, còn trên sàn giao dịch Hong Kong hôm 27/5, giá cổ phiếu Tencent tăng 1%.

Theo các nhà phân tích Jialong Shi và Thomas Shen tại Nomura, đà tăng giá cổ phiếu có kéo dài hay không còn phục thuộc vào tốc độ phụ hồi của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tiếp tục giảm 11,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả doanh số bán hàng trực tuyến cũng lao dốc 1%, mức giảm mạnh hơn hồi đầu năm 2020, khi làn sóng Covid-19 đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc.

 Ảnh hưởng từ làn sóng dịch bệnh mới khiến doanh số bán lẻ tại Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4. Ảnh: Reuters.

Ảnh hưởng từ làn sóng dịch bệnh mới khiến doanh số bán lẻ tại Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà phân tích, nhiều doanh nghiệp đã quyết định cắt giảm chi tiêu để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Theo Alibaba, nếu không tính tới các đơn đặt hàng chưa thanh toán, tổng giá trị hàng hóa (GMV) đã chứng kiến mức giảm thấp (một chữ số) so với một năm trước đó.

GMV là thước đo lượng hàng hóa được bán trong một khoảng thời gian nhất định. Theo công ty, GMV đối với hàng hóa trực tuyến trên thị trường nội địa - không bao gồm các đơn đặt hàng chưa thanh toán - tiếp tục lao dốc trong tháng 4.

Công ty cho biết hơn 80 thành phố tại Trung Quốc, hầu hết là các trung tâm kinh tế của đất nước, đã ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 mới vào tháng 4. Những thành phố này chiếm tới hơn 50% GMV trên thị trường bán lẻ trong nước của Alibaba.

Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4% năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Bloomberg tin rằng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2%. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Triển vọng kinh tế và việc làm suy giảm khiến người tiêu dùng không dám chi tiêu, làm xói mòn sức mạnh tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc.

Dư âm từ cuộc trấn áp công nghệ

Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa thoát nạn sau một năm sóng gió. Trong năm 2021, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa ra loạt quy định mới từ bảo mật dữ liệu đến chống độc quyền nhắm vào những công ty công nghệ lớn.

Cuộc trấn áp kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu lớn, khiến vốn hóa của các đại gia công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Điều này đã khiến niềm tin của nhà đầu tư quốc tế sụt giảm nghiêm trọng.

Cuộc trấn áp bắt đầu hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ yêu cầu Ant Group - công ty công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thay đổi mô hình kinh doanh.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của ông Ma sau đó cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh. Những công ty khác - bao gồm Tencent và Pinduoduo - bị buộc tội vì các hành vi phản cạnh tranh.

Trong quý II, các nhà phân tích của China Renaissance dự báo GMV tại Trung Quốc của Alibaba sẽ giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tổng doanh thu lao dốc 8%.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của một số công ty khác cho thấy bức tranh tươi sáng hơn. Công ty giao hàng tạp hóa Dada ghi nhận doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ năm trước trong quý gần nhất, mức tốt nhất kể từ quý III/2021.

JD.com nắm giữ phần lớn cổ phần tại Dada. Công ty báo cáo GMV quý I tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 20202. Còn lượng khách hàng hoạt động tăng gấp 2.

Trong khi đó, Kuaishou - ứng dụng thương mại điện tử, video ngắn và phát trực tiếp mới nổi - đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 19% trong quý I vừa qua.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-benh-giang-don-vao-cac-ga-khong-lo-cong-nghe-trung-quoc-post1321453.html