Dịch bệnh quay trở lại do khoảng trống tiêm chủng
Nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi, còn ở một số tỉnh phía Bắc thì dịch ho gà tái bùng phát.
Nhiều dịch bệnh đang quay trở lại
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện tại trên địa bàn Thành phố ghi nhận 16 ca mắc bệnh sởi xác định, phân bố tại 4/22 quận, huyện. Còn tại tỉnh Kiên Giang, thống kê cho thấy, từ ngày 7/4 đến ngày 8/6, địa phương này ghi nhận liên tiếp 159 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 ca sởi xác định (chiếm 60%).
Với tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/4 đến 7/6 cũng ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Có 8/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với kết quả 4 ca dương tính với sởi.
Được biết, TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu khu vực phía Nam về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự gián đoạn vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin nói chung và vắc-xin sởi nói riêng tại địa phương này trong những năm gần đây ở mức thấp.
Không riêng TP.HCM, mà hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trong cộng đồng khu vực phía Nam những năm gần đây thấp và không đồng đều. Khảo sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi ở khu vực phía Nam rất thấp.
Năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng sởi của khu vực phía Nam chỉ đạt 83,2% mũi sởi đơn và 75,6% mũi tổng hợp (vắc-xin sởi, quai bị, rubella).
Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vắc-xin ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.
Ngoài dịch sởi thì hiện dịch ho gà cũng đang gia tăng trở lại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, năm nay, số ca bệnh ho gà có dấu hiệu gia tăng so với những năm trước (từ ngày 24 đến 31/5, trên địa bàn thành phố có thêm 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước đó). Nguyên nhân do ảnh hưởng của giai đoạn Covid-19 vừa qua, số trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh không đạt 100%.
Biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh
Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh, tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.
Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng.
Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh.
Với bệnh ho gà, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải (Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec), để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ nhất, tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2, sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3, sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4, khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như: có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn trớ nhiều; ngủ ít; thở nhanh/khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dich-benh-quay-tro-lai-do-khoang-trong-tiem-chung-d217933.html