Dịch COVID-19 bùng nhanh, số người Trung Quốc bị phong tỏa lên tới 37 triệu

Tổng cộng đã có tới 37 triệu người Trung Quốc đang sống ở các khu vực bị phong tỏa khi đất nước này đối phó với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 13/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 13/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN, đợt bùng phát này đã lây lan nhanh hơn nhiều so với các đợt trước đó khi số ca mắc hàng ngày tăng vọt từ vài chục ca vào tháng 2 lên hơn 5.100 ca vào ngày 15/3. Đây là con số cao nhất kể từ đợt bùng phát đầu năm 2020 ở Vũ Hán.

Con số nói trên nghe có vẻ thấp so với các quốc gia khác, nhưng đây là con số cao đáng báo động đối với Trung Quốc - quốc gia đã cố gắng dập tắt các đợt bùng phát và chuỗi lây truyền bằng chính sách “zero-COVID” (Không COVID) nghiêm ngặt trong suốt đại dịch.

Tính đến ngày 15/3, các ca mắc COVID-19 đã xuất hiện ở 21 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến.

Các ca mắc có thể chỉ là hàng nghìn, nhưng tính tới ngày 15/3, đã có 37 triệu người bị phong tỏa. 37 triệu dân này sống ở 5 thành phố đang bị phong tỏa ở các mức độ khác nhau.

Cư dân ở Trường Xuân, thành phố Cát Lâm, Thâm Quyến và Đông Quan bị cấm rời khỏi khu vực mình sống, ngoại trừ những người lao động thiết yếu và các dịch vụ khẩn cấp.

Thành phố thứ 5 là Langfang đã cấm tất cả người dân rời khỏi nhà trừ khi vì những lý do khẩn cấp.

Một số thành phố đã đình chỉ giao thông công cộng và dịch vụ ăn uống trong nhà, đóng cửa trường học và đang tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt cho tất cả người dân. Thành phố Cát Lâm đã bắt đầu đợt xét nghiệm thứ 9 vào ngày 15/3. Tỉnh Cát Lâm cũng đã hạn chế đi lại, cấm người dân rời khỏi tỉnh hoặc đi lại giữa các thành phố trong tỉnh.

Các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng vào đầu tháng ở một số tỉnh trên khắp đất nước, trong đó có Sơn Đông ở phía đông, Quảng Đông ở phía nam và Cát Lâm ở phía đông bắc.

Vào ngày 6/3, các chuyên gia đã cảnh báo tình hình nghiêm trọng ở một số nơi nhưng họ tin tưởng rằng Trung Quốc vẫn có khả năng kiểm soát.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỉnh Cát Lâm nhanh chóng trở thành điểm nóng dịch bệnh. Tỉnh này có trên 4.000 ca mắc ngày 15/3.

Các nhà chức trách vẫn chưa rõ các ổ dịch bùng phát đầu tiên bắt đầu như thế nào. Tuy nhiên, ông Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho rằng một số yếu tố như ca bệnh nhập cảnh hay biến thể Omicron đã làm trầm trọng thêm đợt bùng phát trên toàn quốc.

Một trong những lý do khiến COVID-19 lây lan quá nhanh và khó theo dõi là do các triệu chứng của Omicron nhẹ hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Omicron chiếm khoảng 80% các ca mắc gần đây. Trung Quốc xuất hiện cả BA.2, biến thể phụ “tàng hình” của Omicron.

Giới chức Trung Quốc đang khẩn trương tăng cường năng lực ngành y tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, như xây dựng các trung tâm điều trị tạm thời ở thành phố Trường Xuân và Cát Lâm, đồng thời triển khai hàng nghìn binh sĩ để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.

Dù ca mắc tăng nhanh nhưng ông Wu Zunyou nêu rõ Trung Quốc vẫn duy trì chính sách linh hoạt "zero- COVID”, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp giúp phát hiện và phản ứng nhanh nhạy và chính xác hơn.

Tính đến hết ngày 15/3, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 122.456 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-covid19-bung-nhanh-so-nguoi-trung-quoc-bi-phong-toa-len-toi-37-trieu-20220316150358612.htm