Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đức: Lời cảnh báo nghiêm khắc với châu Âu
Với số ca nhiễm mới kỷ lục, đại dịch Covid-19 ở Đức đang tồi tệ trở lại. Thậm chí, làn sóng thứ 4 này có thể là đợt tồi tệ nhất từ đầu đại dịch, bất kể khoảng 70% dân số trưởng thành Đức đã được tiêm chủng. Kịch bản này còn có nguy cơ diễn ra ở các nước châu Âu khác.
Những kỷ lục buồn tại Đức
Đức đã thiết lập một loạt kỷ lục buồn trong đại dịch Covid-19 vào những ngày gần đây. Vào ngày 10/11, cả nước đã ghi nhận 39.676 trường hợp nhiễm Covid-19 mới chỉ trong 24 giờ, con số cao nhất trong đại dịch. Điều này bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Đức đã là gần 67% dân số trưởng thành.
Theo các chuyên gia, Đức và các quốc gia châu Âu cần thực hiện thêm các biện pháp kiểm soát Covid-19, thay vì chỉ phụ thuộc vào vắc xin - Ảnh: DW
Trong khi đó, số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày cũng lập kỷ lục mới, với hơn 232 trường hợp trên 100.000 người, trong khi kỷ lục cũ là 200/100.000 người vào ngày 8/11.
Làn sóng bùng phát thứ tư tại Đức này được đánh giá sẽ là rủi ro lớn đối với những người chưa được tiêm chủng và những người đã được tiêm chủng ở đợt đầu. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn ở các bệnh viện. Theo thống kê, số lượng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng không còn cao như một năm trước, nhờ tác dụng của vắc xin, song cũng đã có sự gia tăng rõ ràng.
Các đơn vị chăm sóc đặc biệt thậm chí còn “quá tải hơn so với cách đây một năm khi không có vắc xin” như nhật báo Sueddeutsche Zeitung đưa tin. Điều này một phần là do một số lượng lớn nhân viên y tá nghỉ việc, do đã làm việc quá sức kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Tất cả những yếu tố trên đã khiến nhà virus học nổi tiếng người Đức Christian Drosten phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Hôm thứ Ba (9/11), ông cho rằng có khả năng 100.000 người khác sẽ chết nếu không làm gì để ngăn dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát Covid-19 thứ 4 ở Đức. Đầu tiên là việc một phần ba số người lớn ở nước này vẫn chưa chịu đi tiêm chủng, đồng thời nhiều người mắc các bệnh nền khiến họ dễ rơi vào tình trạng nghiêm trọng, dù đã được tiêm vắc xin.
Ngoài ra theo các chuyên gia, tác dụng của vắc xin cũng đã bắt đầu suy giảm đối với những người được tiêm chủng ở giai đoạn đầu, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Những người được chủng ngừa sớm còn thường là những người cao tuổi nằm trong số những nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Hơn nữa, virus cũng không còn giống như trước. Diễn biến dịch bệnh tại Đức cho thấy rằng, biến thể Delta dễ lây lan hơn nhiều so với chủng ban đầu cách đây một năm, ngay cả với những người đã được tiêm chủng.
Nguyên nhân là gì?
Theo cách chuyên gia, “tâm lý xả hơi” của người dân Đức sau một giai đoạn dài bị kìm hãm bởi các chiến dịch phong tỏa và cách ly cũng là một nguyên nhân khiến đại dịch bùng phát trở lại.
“Mọi người đều hào hứng tham gia vào các hoạt động mà họ đã không được làm trong giai đoạn đóng cửa. Rất nhiều người còn mang tâm lý sai lầm rằng, nhờ vắc xin chúng ta có thể lật ngược tình thế và trở lại cuộc sống bình thường”, Till Koch, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Hamburg, phân tích.
Còn có một nguyên nhân đặc biệt khác là tác động của cuộc bầu cử Đức diễn ra hồi cuối tháng 9 vừa rồi. Trong chiến dịch tranh cử, đại dịch Covid-19 không còn là mối quan tâm duy nhất ở quốc gia này. Hơn nữa, các chính trị gia còn thường xuyên nêu bật những thành công của họ trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
“Có nghĩa là truyền thông đã khiến dân chúng nghĩa rằng mọi thứ đang diễn ra tốt hơn”, Ralf Reintjes, một nhà dịch tễ học tại Đại học Khoa học Ứng dụng, nhận định.
Có tới 48.000 ca nhiễm Covid-19 mới tại Đức vào ngày 11/11 - Nguồn: JHU CSSE COVID-19 Data.
Bài học cho các quốc gia khác
Bài học chính của làn sóng thứ 4 ở Đức là “chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào vắc xin, dẫn đến phương hại các biện pháp khác, chẳng hạn như xét nghiệm và hạn chế di chuyển”, Reintjes nói.
“Đối mặt với một biến thể mới, gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đơn giản là quá ít để ngăn chặn dịch. Rõ ràng, những gì đang diễn ra ở Đức có khả năng được tái hiện trên quy mô châu Âu trong những tuần tới”, Koch cảnh báo.
Trên thực tế, sự bùng phát trở lại cũng đang bắt đầu diễn ra ở Hà Lan và ở Đan Mạch, dù cả hai nước này không hề có một cuộc bầu cử nào như Đức cả.
Không phải ngẫu nhiên các quốc gia phía bắc châu Âu bị ảnh hưởng đầu tiên. Koch giải thích: “Giống như tất cả các loại virus đường hô hấp khác, Covid-19 hoạt động theo mùa và các nước ở phía nam như Tây Ban Nha và Ý được bảo vệ tốt bởi nhiệt độ ấm hơn”.
Nhưng làn sóng bùng phát mới sẽ không loại trừ quốc gia nào tại châu Âu. Koch cho rằng: “Các quốc gia không được hài lòng với tỷ lệ tiêm chủng 70%, dù một năm trước tỷ lệ này được coi là tiêu chuẩn để vượt qua đại dịch”.
Trong khi đó, Reintjes đưa ra lời khuyên: “Điều cần thiết là các nhà chức trách phải làm rõ là đại dịch vẫn còn ở cạnh chúng ta và chúng ta không được chủ quan, đặc biệt là trong giai đoạn mùa đông”.
Theo cách chuyên gia, các quốc gia cũng cần chú ý nhiều hơn đến các biện pháp khác ngoài tiêm chủng. Điều này không nhất thiết là quay trở lại các giải pháp kinh tế khó khăn như giới nghiêm hoặc đóng cửa các quán bar và nhà hàng. Song, các biện pháp như sàng lọc quy mô lớn sẽ giúp phát hiện sớm hơn các ca nhiễm mới, do đó hạn chế sự lây lan.
Rõ ràng, các quốc gia khác cần rút ra các bài học từ Đức trước khi mọi thứ trở nên xấu đi.