Dịch COVID-19 Dịch càn quét nước Mỹ; châu Âu vượt 400.000 ca tử vong
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Tisch ở New York, Mỹ ngày 13/11/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 29/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 62.530.361 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.457.290 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 43.159.195 người, 17.913.876 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.061 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (129.125 ca), Brazil (51.922 ca) và Ấn Độ (39.567 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.173 ca), tiếp theo là Ý (686 ca) và Ba Lan (674 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 272.211 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 13.596.109 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 136.705 ca tử vong trong số 9.390.791 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 172.561 ca tử vong trong số 6.290.272 bệnh nhân.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận 121.658 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ 26 liên tiếp vượt qua ngưỡng 100.000 ca bệnh mới. Cho đến nay, chỉ trong tháng 11, nước Mỹ đã ghi nhận thêm trên 4 triệu ca mắc COVID-19 mới, theo số liệu từ Đại học John Hopkins.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles, bao gồm thành phố cùng tên lớn thứ hai tại Mỹ, đã thông báo lệnh phong tỏa mới, theo đó tạm thời cấm các cuộc tụ tập giữa những người khác gia đình. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 30/11 và kéo dài 3 tuần đến ngày 20/12. Tuy nhiên, các biện pháp "an toàn ở nhà" mới áp dụng sẽ không nghiêm ngặt như trong đợt phong tỏa đầu tiên ở thành phố này hồi tháng 3. Một số nơi vẫn được phép mở cửa như hiệu sách, trung tâm spa, các cửa hàng kinh doanh. Trường học cũng được hoạt động bình thường trừ phi ghi nhận bùng phát dịch.
Ngày 28/11, thủ đô Washington DC cũng ghi nhận kỷ lục mới về ca lây nhiễm, với 371 cư nhân dương tính với SARS-CoV-2, vượt qua kỷ lục trước là 335 ca vào ngày 1/5.
Tại Canada, ngày 27/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, phần lớn người dân ở quốc gia Bắc Mỹ này có thể được tiêm phòng vắcxin COVID-19 vào tháng 9/2021.
Thủ tướng Trudeau cũng cung cấp thông tin về kế hoạch phân phối vắcxin và cho biết ông đã liên lạc với cựu Trưởng phái bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Iraq, thiếu tướng Dany Fortin – người phụ trách việc phân phối vắcxin COVID-19 của chính phủ liên bang Canada. Thiếu tướng Fortin sẽ phụ trách hậu cần và các hoạt động trong một trung tâm mà chính phủ đang thành lập để nhận và phân phối vắcxin. Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada đã chuẩn bị tốt cho các đợt tiêm chủng quy mô lớn và đây sẽ là đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử của đất nước với không ít khó khăn.
Thủ tướng Trudeau nêu rõ ngay từ đầu, Canada đã ký một loạt hợp đồng mua vắcxin, với các nhà cung ứng đa dạng, với liều lượng trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Nếu vắcxin của Pfizer và Moderna được phép lưu hành, Canada sẽ cân nhắc phân phối khoảng sáu triệu liều trong hai tháng đầu năm sau. Dự kiến vắcxin của Pfizer có thể được chấp thuận ở Canada vào tháng tới.
Châu Âu tiếp tục là vùng tâm dịch của thế giới. Ngày 28/11, châu Âu chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 vượt ngưỡng 400.000 ca, trở thành khu vực có số ca tử vong cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ Latinh và Caribe. Đáng chú ý, riêng tuần qua châu Âu có tới 3.147 ca tử vong, mức cao nhất theo tuần kể từ khi đại dịch bùng phát. Anh là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu lục, chiếm gần 70% với 57.551 ca trong gần 1,6 triệu ca mắc. Tiếp đến là Ý với 53.677 ca tử vong và 1,5 triệu ca mắc, Pháp với 51.914 ca tử vong và 2,2 triệu ca mắc, Tây Ban Nha (44.668 ca tử vong và 1,6 triệu ca mắc) và Nga (39.068 ca tử vong và 2,2 triệu ca mắc).
Trước tình hình này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng các biện pháp phong tỏa một phần đang được áp đặt tại nước này có thể sẽ kéo dài đến đầu mùa xuân tới. Trả lời phỏng vấn báo Die Welt ngày 28/11, Bộ trưởng Altmaier cho biết tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 vẫn ở mức hơn 50/100.000 người ở các khu vực rộng lớn của Đức. Ông cảnh báo nước Đức còn phải trải qua 3 đến 4 tháng mùa đông dài phía trước, do đó các biện pháp hạn chế có thể sẽ vẫn được duy trì cho đến những tháng đầu năm 2021.
Theo CNN, trên 60 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa tại London ngày 28/11. Các cuộc biểu tình ở London hiện đnag bị cấm theo quy định phòng chống dịch, và cảnh sát đã công bố thư ngỏ kêu gọi người biểu tình ở nhà.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Michael Gove cho biết các bệnh viện tại xứ England có nguy cơ bị quá tải nếu các nhà lập pháp không ủng hộ kế hoạch triển khai các biện pháp hạn chế mới. Hơn 20 triệu người ở England sẽ phải sống chung với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sau khi lệnh phong tỏa toàn khu vực này kết thúc vào ngày 2/12 tới. Các nhà lập pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc triển khai các biện pháp hạn chế này một ngày trước khi lệnh phong tỏa trên hết hiệu lực. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson phản đối kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế theo từng mức độ.
Ngày 28/11, Hàn Quốc phát hiện 504 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp ở mức trên 500 ca. Trong số này có 486 người lây nhiễm ở địa phương và chỉ có 18 ca nhập cảnh. Như vậy số ca bệnh tại Hàn Quốc tăng lên 33.375 người, trong đó có 522 ca tử vong.
"Điểm nóng" dịch tại thủ đô Seoul hiện đang áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội cấp 2. Hôm 26/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thực hiện giao thức giãn cách xã hội cấp 2,5, cấp cao thứ hai với tất cả các doanh trại quân đội. Theo đó toàn bộ hoạt động đi lại ra khỏi doanh trại và các kỳ nghỉ bị dừng lại, các cuộc gặp riêng và sự kiện bị cấm tổ chức, các nghi lễ tôn giáo diễn ra trực tuyến.
Nhật Bản ghi nhận 2.530 ca nhiễm mới trong ngày 27/11, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này theo thông báo của Bộ Y tế vào ngày 28/11. Nhật hiện ghi nhận tổng 142.780 ca nhiễm, trong đó có 2.087 ca tử vong.
Tại Iran, ngày 28/11, Bộ Y tế nước này công bố thêm 13.402 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 935.799 ca. Số ca tử vong cũng tăng 391 ca lên 47.486 ca. Hiện Iran có 27 tỉnh bị coi là có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, các điểm nóng như Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Cụ thể, Indonesia có thêm 5.418 ca mắc mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 527.999 ca, trong đó có 16.646 ca tử vong. Philippines và Malaysia ghi nhận lần lượt 1.893 và 1.315 ca mắc mới, đưa tổng số lên 427.797 ca và 63.176 ca. Số ca tử vong lần lượt ở mức 8.333 ca và 354 ca.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)