Dịch Covid-19 kéo gần 120.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 với thời gian kéo dài đã đẩy gần 120.000 doanh nghiệp không thể trụ được trên thị trường trong năm 2021, một con số kỷ lục về số doanh nghiệp đóng cửa trong một năm từ trước đến nay.
Số liệu này do Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quí 4 và cả năm 2021 vào ngày 29-12.
Có đến gần 120.000 doanh nghiệp rời thị trường trong năm 2021. Nhiều tòa nhà văn phòng và cửa hàng ở các tuyến đường trung tâm TPHCM đóng cửa kinh doanh và rao cho thuê lại mặt bằng. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Dẫn nguồn từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến ngày 24-12, cơ quan thống kê cho biết trong năm nay số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 ngàn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; và có 48,1 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%.
Ngoài ra, trong cùng thời gian trên có 16,7 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 14,8 ngàn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng, giảm 20,7%.
Tính chung, trong năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hoành hành, cả nước có đến 119.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Như vậy, bình quân một tháng có khoảng 10 ngàn doanh nghiệp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp rời thị trường thậm chí còn cao hơn lượng doanh nghiệp mới thành lập. Trong năm nay cả nước có 116,8 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Trước đó, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực với dịch Covid-19.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, do VCCI tổ chức vào cuối tháng 11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, cho biết đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khảo sát của VCCI cho thấy, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó.
Phó chủ tịch VCCI cho rằng, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề trong thời gian qua lên tiếng về khó khăn của doanh nghiệp để có thể hồi phục sản xuất kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức của Chính phủ, chính quyền các địa phương, ngành nghề.
Tại tọa đàm trực tuyến “TPHCM đảm bảo nguồn hàng, giá ổn định dịp cuối năm”, vào chiều ngày 28-12, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững trong và sau dịch, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi vay cho doanh nghiệp. Bà Chi phân tích, trong khi các ngân hàng thương mại báo lãi liên tục thì doanh nghiệp đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đây là “chỉ dấu” không bình thường của nền kinh tế bởi thực tế, giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải có sự cộng sinh lẫn nhau.
Vì vậy, theo bà Chi, Chính phủ cần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Thứ hai, gắn sản xuất chế biến lương thực thực phẩm với đầu vào nguyên liệu từ ngành nông nghiệp. Cần có chính sách phát triển vùng nguyên liệu đối với ngành nông nghiệp… Song song đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, kiến nghị các bộ ngành tổng hợp, đưa ra những vấn đề về hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ kiểm dịch… để doanh nghiệp nắm, không thông tin manh mún, mạnh ngành nào ngành đó thông tin. Như vậy, doanh nghiệp rất khó nắm bắt toàn diện.
Trước đó, để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, TPHCM cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị lên các bộ, ngành và Chính phủ, đặc biệt là những bất cập trong văn bản pháp luật đang chồng chéo, gây ách tắc trong thực thi để từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp góp phần khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 ngàn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 ngàn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỉ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 ngàn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 ngàn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 ngàn tỉ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 ngàn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Lê Hoàng