Dịch COVID-19: Mỹ mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami Beach, bang Florida, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cho phép mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa đối với 57 triệu người Mỹ - trong đó đa số sống tại khu vực nông thôn nghèo.
Sắc lệnh này có ý nghĩa quan trọng khi mà các ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã tăng vọt trong thời gian gần đây.
Tổng thống Trump nhấn mạnh sắc lệnh mới này sẽ đảm bảo rằng các dịch vụ khám bệnh từ xa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng được dỡ bỏ.
Ông cũng chỉ thị Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ giảm thiểu gánh nặng pháp lý và phát triển một mô hình thanh toán mới, qua đó cho phép giới chức y tế ở nông thôn bỏ qua một số quy định trong chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare hiện hành và đảm bảo các khoản thanh toán dễ dự toán hơn.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc khám bệnh từ xa vẫn được thực hiện tốt... và giờ thì nhu cầu về dịch vụ này đang tăng lên”.
Theo Nhà Trắng, người dân Mỹ sống tại khu vực nông thôn có nguy cơ cao tử vong vì các bệnh như ung thư và tim mạch hơn những người sống tại đô thị. Nguyên nhân là vì nhóm đối tượng bệnh nhân này dễ gặp khó khăn về di chuyển y tế, thiếu hụt nhân viên y tế, cũng như số lượng bệnh viện chuyên khoa có khả năng chăm sóc tốt.
Số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) cho thấy số lượt truy cập qua điện thoại hoặc video tăng vọt lên gần 1,7 triệu lượt mỗi tuần trong tuần cuối tháng 4 vừa qua, so với con số 14.000 lượt trước khi đại dịch bùng phát.
Con số này vẫn duy trì ở mức cao, ngay cả sau khi việc thăm khám trực tiếp đã được nối lại vào tháng 5 vừa qua, một dấu hiệu cho thấy người dân ngày càng chuộng sử dụng dịch vụ khám bệnh trực tuyến này.
Tổng thống Trump cũng kêu gọi giới chức Mỹ trong vòng 30 ngày tới phải thảo ra kế hoạch cụ thể để thúc đẩy đầu tư vào truyền thông và cơ sở hạ tầng cần thiết để tăng cường chăm sóc và cải thiện sức khỏe tổng thể cho người dân ở khu vực nông thôn, giảm tỉ lệ tử vong ở thai phụ và sản phụ, cũng như cải thiện sức khỏe tinh thần.
Liên quan tình hình dịch bệnh, theo số liệu thống kê của trường Đại học John Hopkins công bố sáng 4/8, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 46.321 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng xác nhận 535 trường hợp tử vong mới do COVID-19.
Như vậy, hiện Mỹ đã có tổng cộng 4.711.323 ca mắc bệnh, trong đó 155.366 người đã tử vong - cao nhất thế giới trên cả hai phương diện. Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực có thể thấy rõ đó là ngày 3/8 là ngày thứ hai liên tiếp số các ca mắc bệnh mới có xu hướng giảm, sau một chuỗi 5 ngày liên tiếp ghi nhận mức trung bình 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tuyên bố với báo giới, Tổng thống Donald Trump khẳng định virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã bị xóa sổ tại các khu vực miền Nam và miền Tây nước Mỹ. Ông nhấn mạnh đây là tín hiệu rất đáng khích lệ.
Trong diễn biến khác, hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp của Mỹ đã lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp nước này gác lại những bất đồng chính trị và nhanh chóng thông qua gói cứu trợ COVID-19 mới trong bối cảnh các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và Đảng Dân chủ tại quốc hội lưỡng viện vẫn đang bế tắc.
Trong một bức thư đề ngày 3/8 gửi các nghị sĩ lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa tại hai viện quốc hội, đại diện các tập đoàn lớn như Walmart, Facebook, Microsoft, Alphabet hay Starbucks cảnh báo nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm sẽ hứng chịu hậu quả "thảm khốc" nếu gói cứu trợ COVID-19 mới không sớm được thông qua nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại do phải tạm ngừng hoạt động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các giám đốc điều hành (CEO) nhấn mạnh nhiều công ty nhỏ không đủ nguồn lực để duy trì doanh nghiệp cho tới khi các nhà khoa học bào chế được vắcxin ngừa COVID-19. Việc hàng loạt công ty phá sản sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ vốn đang trong tình trạng suy giảm hiện nay.
Theo các CEO, các doanh nghiệp quy mô nhỏ có vai trò quan trọng đối với sức bền của nền kinh tế Mỹ, giúp kinh tế nước này tránh nguy cơ sụp đổ. Chính vì vậy, trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" này, các nhà lập pháp cần vượt qua lợi ích đảng phái để nhanh chóng thông qua gói cứu trợ mới.
Lời kêu cứu của lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ được đưa ra vào thời điểm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng ngày đã có cuộc đối thoại mới với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows về gói cứu trợ COVID-19 mới. Nữ nghị sĩ Đảng Dân chủ đánh giá cuộc gặp kéo dài 2 giờ đồng hồ này là "hữu ích", song vẫn chưa ghi nhận những tiến triển nhất định.
Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer cho biết hai bên đã "xích gần nhau hơn" trong một số vấn đề, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức trợ cấp thất nghiệp cho hàng chục triệu người lao động Mỹ bị mất việc làm do dịch COVID-19.
Hiện phe Dân chủ không đồng ý với đề xuất cắt giảm mức trợ cấp thất nghiệp 600 USD/người/tuần xuống còn 200 USD, cho rằng mức hỗ trợ này không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ.
Sau gói cứu trợ 3.000 tỉ USD được hai viện quốc hội nhanh chóng thông qua vào tháng Năm vừa qua - giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, các nhà lập pháp Mỹ đã bỏ lỡ thời hạn chót 31/7 vừa qua để gia hạn cứu trợ thất nghiệp, vốn được cho là đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.
Ngày 3/8, Bộ Tài chính Mỹ thông báo ý định cấp thêm khoản vay 1.000 tỉ USD từ nay tới cuối tháng 9 và thêm 1.200 tỉ USD trong 3 tháng cuối năm phòng ngừa dịch bệnh bùng phát mạnh.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)