Dịch Covid-19: Nga-Thổ hợp tác sản xuất vaccine, quy định nhập cảnh Campuchia mới nhất, Hàn Quốc lo trở lại 'cơn ác mộng'

Hãng Interfax đưa tin, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 23/1 thông báo đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vaccine Sputnik V ngừa bệnh Covid-19.

Nhân viên y tế kiểm tra các thiết bị điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở Trung Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post)

Nhân viên y tế kiểm tra các thiết bị điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở Trung Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post)

RDIF còn cho biết, cơ quan này đã bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, RDIF cũng đã ký hợp đồng sản xuất vaccine Sputnik V với các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Belarus và Kazakhstan.

* Ngày 23/1, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm chống Covid-19 kiêm lãnh đạo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia Doni Monardo thông báo, ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Ông Monardo nói: "Đêm qua tôi đã tiến hành xét nghiệm PCR. Sáng nay tôi nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2".

Tuy nhiên, ông Monardo cho biết không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào. Hiện tại, ông đang thực hiện tự cách ly trong khi giám sát công tác đối phó Covid-19 và thảm họa tại một số khu vực ở Indonesia.

Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Malaysia đã nghi nhận 4.275 trường hợp mới mắc Covid-19, là số ca mắc bệnh trong ngày cao nhất cho đến nay, nâng tổng số trường hợp được xác nhận lên thành 180.455 người.

Malaysia cũng có thêm 7 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 667 người.

* Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, dự kiến khoảng 500.000 người dân nước này sẽ được tiêm vaccine ngừa Coivd-19 trước Tết năm mới Khmer trong tháng 4 tới.

Phát biểu tại lễ khánh thành tòa nhà Bộ Giao thông - Công chính Campuchia ngày 22/1, Thủ tướng Hun Sen thông tin, lô 300.000 liều vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được chuyển tới Campuchia trong tháng 2/2020 và Bộ Y tế sẽ tiến hành cuộc khảo sát để đánh giá có bao nhiêu người dân sẵn sàng chủng ngừa vaccine này.

Nhà lãnh đạo Campuchia tái khẳng định ông sẽ là người đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á tiêm vaccine của Trung Quốc, và sẽ tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi được tiêm tại Bệnh viện Calmette ở thủ đô Phnom Penh.

Thủ tướng Hun Sen cho biết đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi thêm vaccine tới Campuchia. Theo ông Hun Sen, số vaccine nói trên do chính phủ Trung Quốc tài trợ hoặc do Campuchia đặt mua.

Trước đó, Campuchia đã đề nghị Ấn Độ cung cấp các loại vaccine Covaxin và Covashield do Ấn Độ sản xuất cho Campuchia.

Trong ngày 23/1, phát biểu tại hội nghị Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn khẳng định cam kết của Campuchia thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ngừa Covid-19 và công bố kế hoạch phục hồi ngành du lịch.

Cùng ngày, liên quan đến các quy định mới khi nhập cảnh Campuchia, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine cho biết, kể cả những du khách đã tiêm phòng vaccine Covid-19 vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày khi nhập cảnh, nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Tính đến nay, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 456 ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc, trong đó có 403 bệnh nhân đã hồi phục. Về số lượng lao động di cư Campuchia từ Thái Lan về nước, có 81 người dương tính với virus SARS-CoV-2.

* Liên quan tình hình dịch bệnh, giới chức y tế Nhật Bản cho biết, ngày 23/1, số người tử vong do mắc bệnh Covid-19 ở nước này đã vượt qua con số 5.000 người trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á đang phải gồng mình kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Thời gian gần đây, tốc độ tử vong liên quan đến Covid-19 ở Nhật Bản tăng mạnh, buộc Thủ tướng Suga Yoshihide phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 11 trong số 47 tỉnh thành của đất nước, bao gồm cả Tokyo, Osaka và Kyoto, hồi đầu tháng.

Ở Nhật Bản, số người tử vong do Covid-19 đã lên đến 1.000 người vào tháng 7 sau khi xác định trường hợp lây nhiễm đầu tiên vào ngày 15/1/2020, và con số này đã vượt quá 3.000 người vào cuối tháng 12/2020.

Theo trang Worldometers, hiện Nhật Bản có tổng cộng hơn 351 nghìn ca mắc Covid-19.

* Các nhà chức trách y tế của Hàn Quốc ngày 23/1 cảnh báo những nỗ lực của họ nhằm khống chế đại dịch Covid-19 đối mặt với một thách thức to lớn tiềm ẩn từ sự lây lan của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ông Kwon Joon-wook, Phó Giám đốc Trụ sở Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương, thậm chí đã đặt ra khả năng quốc gia này sẽ quay trở lại "cơn ác mộng" tương tự như hồi tháng 12 năm ngoái, khi số ca lây nhiễm hàng ngày vượt quá 1.000 ca.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, quan chức này nêu rõ: "Những virus chủng mới dễ lây nhiễm hơn những virus đang tồn tại".

Theo ông Kwon, mặc dù tỉ lệ nhân bản của virus hiện nay ở mức khoảng 0,82 nhưng tỉ lệ này sẽ tăng lên mức 1,2 nếu chủng mới của virus từ Anh lây lan rộng rãi. Tỉ lệ này là thước đo sự lây nhiễm bệnh nhân trung bình.

Những chủng mới của virus cũng phản ánh một thực trạng vô cùng đáng sợ, nhất là thông báo mới nhất của chính phủ Anh đã báo hiệu sự chênh lệnh từ tỉ lệ tử vong cao hơn.

* Chính phủ Na Uy ngày 23/1 thông báo, từ chiều cùng ngày, chính quyền thủ đô Oslo và 9 tỉnh thành phụ cận sẽ áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có sau khi phát hiện ổ dịch nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.

Theo đó, các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và không được mở cửa lại cho đến ngày 1/2. Các cửa hàng bán thực phẩm, dược phẩm và xăng dầu tiếp tục được mở cửa.

Mọi sự kiện thể thao sẽ phải tạm dừng, nhà hàng cũng phải đóng cửa, trong khi các trường học triển khai thêm chương trình dạy học từ xa, các gia đình được yêu cầu không mời khách tới nhà.

Theo Viện y tế công Na Uy, tính đến nay, nước này đã xác định 55 ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-19. Nhằm khống chế dịch bệnh, Na Uy cũng đã áp đặt một số biện pháp cấm đi lại ngặt nghèo tại châu Âu và gần đây còn thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại khu vực biên giới.

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu cho biết, tỷ lệ ca nhiễm SARS-CoV-2 trên 100.000 dân tại Na Uy hiện cao thứ 5 châu Âu, sau Iceland, Phần Lan, Hy Lạp và Bulgaria.

Tính đến ngày 21/1, Na Uy đã tiêm chủng cho gần 72.000 người, trong đó có 72.000 tiêm mũi đầu tiên, và có gần 1.900 người tiêm mũi thứ 2.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-nga-tho-hop-tac-san-xuat-vaccine-quy-dinh-nhap-canh-campuchia-moi-nhat-han-quoc-lo-tro-lai-con-ac-mong-134692.html