Dịch COVID-19: Sẽ có thêm các cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, để chủ động trong việc xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19, một số địa phương đã trang bị máy xét nghiệm, phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.
* Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá đủ năng lực khẳng định xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trước đó, giữa tháng 2/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp kinh phí cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh mua máy Real time PCR để xét nghiệm SARS-CoV-2. Máy xét nghiệm này được Bệnh viện đưa vào hoạt động thử nghiệm từ ngày 25/3 và hoạt động chính thức từ ngày 1/4.
Bà Hứa Thị Phương, Trưởng khoa Hóa sinh - vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, trước đây, thời gian chờ kết quả các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 gửi lên tuyến trên có thể mất từ 3 ngày đến 1 tuần, nhưng từ khi có máy xét nghiệm Real time PCR, Bệnh viện chỉ mất khoảng 6 tiếng đã cho kết quả các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Từ ngày 1/4 đến nay, Bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm trên 100 mẫu của các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, kết quả có 2 ca dương tính. Sau đó, bệnh viện đã gửi lại các mẫu bệnh phẩm dương tính này lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đã được xác định kết quả chính xác. Máy xét nghiệm Real time PCR nếu hoạt động hết công suất có thể xét nghiệm được khoảng 300 mẫu/ngày.
Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, máy xét nghiệm Real time PRC là máy xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiệu quả cao nhất hiện nay. Nếu việc lấy mẫu thực hành quy trình chuẩn trong sử dụng máy xét nghiệm thì độ chính xác đạt tới 99,5%. Nguyên tắc quan trọng trong việc phòng, chống dịch COVID-19 là phát hiện sớm và cách ly hiệu quả nên từ khi có máy xét nghiệm Real time PCR, Bệnh viện đã chủ động rất nhiều trong việc sàng lọc người bệnh. Không chỉ phục vụ điều trị bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, máy xét nghiệm này còn giúp cho việc sàng lọc những người bệnh đang được cách ly ở các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.
Để hoạt động hiệu quả máy xét nghiệm Real time PCR, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã cử 4 cán bộ đi tập huấn tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện vẫn còn thiếu. Nếu lượng bệnh nhân tăng lên, để chủ động hơn nữa, Bệnh viện sẽ đề xuất trang bị thêm hệ thống xét nghiệm bán tự động, test nhanh để loại bớt các trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng.
* Tại An Giang, sau nhiều ngày khẩn trương chuẩn bị, chiều 3/4, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cho biết: Bệnh viện đã hoàn thành Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, sẵn sàng thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 sau khi có kết quả thẩm định của Bộ Y tế.
Theo Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, Phòng xét nghiệm sinh học phân tử được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Phòng xét nghiệm sinh học phân tử với đầy đủ các khu vực như: Khu vực xử lý bệnh phẩm ban đầu (phòng áp lực âm), tách chiết, pha Master Mix, nạp mẫu, phòng máy...; khu vực làm xét nghiệm PCR được chia ra các khu vực riêng biệt, một chiều, tránh nhiễm chéo. Phòng xét nghiệm sinh học phân tử của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang có công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 từ 400-500 mẫu/ngày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cho biết: Hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại bệnh viện có khả năng xét nghiệm nhanh gấp 10 lần, góp phần giải quyết lỗ hổng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
"Việc hoàn thành Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử và sẵn sàng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, chờ Bộ Y tế thẩm định để đưa vào hoạt động là bước tiến mới của ngành Y tế An Giang, nhằm hỗ trợ cho việc xét nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19 trong thời gian tới", bác sĩ Hạnh cho biết.
Trước đó, UBND tỉnh An Giang đã chấp nhận chủ trương, đồng ý cho phép Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang đầu tư hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 và hệ thống ECMO để điều trị người mắc COVID-19.
Ngoài đầu tư hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cũng đã triển khai hệ thống ECMO để điều trị người mắc COVID-19, đây là kỹ thuật cao nhất, chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu. ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo được áp dụng cho những trường hợp suy hô hấp ở mức độ nặng, không đáp ứng với việc hỗ trợ thở máy. Hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp...