Dịch COVID-19 tại ASEAN: Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới
Số ca COVID-19 mới tại Indonesia ngày hôm qua là 36.197 ca, cao thứ hai thế giới, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 1.007 ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Bekasi, Indonesia, ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 11/7, tại 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 63.788 ca mắc COVID-19 và 1.310 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 5.527.867 ca, trong đó 106.091 người tử vong.
Trong ngày 11/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca COVID-19 nhất trong khu vực vẫn là Indonesia với 36.197 ca. Đáng chú ý, số ca COVID-19 mới phát sinh ngày hôm qua ở Indonesia cao thứ hai thế giới, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 1.007 ca. Tính từ đầu dịch đến nay, Indonesia đã ghi nhận 2.527.203 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 66.464 người tử vong.
Báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 Indonesia ngày 11/7 cũng cho biết thủ đô Jakarta đã ghi nhận số ca bệnh mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch với 13.133 ca và 54 người tử vong. Các bệnh viện tại Indonesia đang khan hiếm, thậm chí hết sạch ôxy. Một số bệnh viện đã tạm đóng cửa hoặc từ chối nhận bệnh nhân do thiếu nhân viên và thiết bị. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia cho biết: “Tình hình không hề dễ dàng. Chúng tôi đang gặp khó khăn”.
Đứng số 2 trong khu vực ASEAN về số ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 9.539 ca, trong đó, có 9.436 ca mắc trong cộng đồng và 103 ca trong nhà tù. Tổng số ca mắc mới ngày 11/7 chỉ kém số ca mắc cao kỷ lục ngày 17/5 một chút (9.635 ca).
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, khoảng 145 trạm kiểm soát, trong đó 88 trạm ở thủ đô Bangkok, đã được thiết lập để kiểm soát sự di chuyển của người dân, trong khi Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan (RTAF) cảnh báo sẽ có hành động pháp lý mạnh mẽ đối với những người vi phạm các quy định mới.
Trước đó, Công báo Hoàng gia Thái Lan ngày 10/7 đã đăng tải các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt mới được Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) thông qua, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau từ 12/7 trong ít nhất 14 ngày tại 10 tỉnh trong vùng kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt.
Phó phát ngôn viên RTAF Teerapong Pattamasingh Na Ayuthaya cho biết, bất kỳ ai phớt lờ những các hạn chế để phòng chống COVID-19 sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý dựa trên sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và Đạo luật về bệnh truyền nhiễm. Ngoài lệnh giới nghiêm và các biện pháp khác, việc tụ tập từ hơn 5 người cũng sẽ bị cấm theo những quy định mới.
Tại Malaysia, ngày 11/7, nước này ghi nhận 9.105 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát và là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày trên mức 9.000 ca.
Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nguyên nhân số ca mắc mới COVID-19 gần đây gia tăng mạnh là do đang tiến hành xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, có mục tiêu tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Tuy số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trong thời gian gần đây và đã lập những mốc mới, nhưng nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, ông Lockman Hakim dự tính con số thực tế có thể cao ít nhất gấp 4-5 lần con số công bố.
Ông Hakim cho rằng cùng với việc số ca mắc mới COVID-19 ở Selangor và Kuala Lumpur tăng mạnh, hiện đã không còn thích hợp cho việc xét nghiệm quy mô lớn để xác định những người có nguy cơ cao. Ưu tiên hàng đầu bây giờ phải hướng tới việc cứu sống những người đã và sẽ bị mắc bệnh.
Theo ông Hakim, do trước đây Malaysia chưa tiến hành xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, cho nên, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trên thực tế lớn hơn so với con số Bộ Y tế công bố. Do đó, lưu vực sông Klang (gồm Selangor, Kuala Lumpur và một phần Seremban) cần phải có hành động kiên quyết, tập trung hơn nữa.
Bộ Y tế Lào ngày 11/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 89 ca mắc COVID-19 mới, gồm 86 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Luang Namtha.
Theo Bộ Y tế Lào, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ giữa tháng 4 vừa qua, lượng lao động Lào ở Thái Lan trở về nước tăng cao, tạo áp lực trong việc tiếp nhận và phân bổ cách ly. Điều này đã khiến cho một số tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh Champasak bị quá tải lượng bệnh nhân mắc COVID-19.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động xuất nhập cảnh đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.719 ca mắc COVID-19 và 3 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 18/5/2021. Ảnh: THX
Ngày 11/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 60.000 ca và tiến sát 61.000 ca, với 981 ca mới phát sinh trong 24 giờ, trong đó có tới 259 ca nhập cảnh. Campuchia cũng ghi nhận thêm 21 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 902 ca.
Cùng ngày, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Lý Ái Lan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới và số ca tử vong đang tăng mạnh. Theo bà Lý Ái Lan, Campuchia cần có biện pháp can thiệp hiệu quả hơn ngoài sử dụng thuốc và vaccine ngừa COVID-19. Hiện mỗi ngày số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn vào khoảng 1.000 ca và số ca tử vong ở mức hai con số.
Bình luận trên của đại diện WHO được đưa ra vào thời điểm Campuchia vừa nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Trung Quốc, trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng trên quy mô lớn nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 10 tới. Sau nhận định của đại diện WHO, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine ngày 10/7 cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia vào thời điểm này.
Theo bà Or Vandine, tình hình dịch bệnh tại Campuchia có thể vượt qua "giới hạn đỏ" nếu một số cá nhân không chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch. Khi đó, Campuchia sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn như dịch bệnh sẽ lan tràn trong cộng đồng mà không biết rõ nguồn lây, số ca mắc mới và tử vong sẽ liên tục tăng.