Dịch COVID-19 tại Nhật Bản: Tokyo nâng cảnh báo y tế lên mức cao nhất
NGày 21/7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận 31.878 ca mắc COVID-19 mới, tăng 164% so với trước đó 1 tuần và chính quyền Tokyo quyết định nâng cấp độ cảnh báo đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp.
Trong ngày 21/7, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục, với 186.246 ca, tỷ lệ nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lên tới 96%.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong ngày 21/7, có 35/47 địa phương của Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước đến nay, trong đó 48 ca tử vong và số ca bệnh nặng là 189, tăng 13 ca so với trước đó 1 ngày.
Thủ đô Tokyo là địa phương dịch diễn biến phức tạp nhất khi ghi nhận 31.878 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 21/7, tăng 164% so với trước đó 1 tuần. Với tỷ lệ sử dụng giường bệnh là 43,5%, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp, đồng thời nâng cảnh báo tình trạng lây nhiễm COVID-19 lên mức cao nhất. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 17/3, thủ đô Tokyo duy trì cả hai cấp độ cảnh báo ở mức cao nhất.
Ông Takaji Wakita, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), cho biết với diễn biến như hiện nay, trong thời gian tới, Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải xác định năng lực tiếp nhận điều trị của hệ thống y tế từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Theo Giáo sư Tetsuya Mizutani, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, một chuyên gia nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, dòng phụ BA.5 có ít nhất 34 đột biến so với biến thể gốc lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Trong số 34 đột biến đó có 3 đột biến có đặc trưng là làm suy yếu tác dụng của vaccine. Như vậy, việc các kháng thể của vaccine gặp khó khăn khi nhận diện các protein gai, làm giảm tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập virus vào cơ thể con người. Đây là một trong những nguyên nhân số ca mắc COVID-19 gần đây trên thế giới và tại Nhật Bản tăng mạnh.
Tuy nhiên, Giáo sư Mizutani nhận định vaccine có tác dụng rõ ràng trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng vì thực tế cho thấy số ca bệnh nặng không tăng tỷ lệ thuận với số ca mắc mới. Do đó, tiêm phòng COVID-19 mũi thứ 3 và thứ 4 vẫn là biện pháp căn bản nhất để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới này.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 21/7 cho biết sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do bộ này chủ trì tại 2 thành phố lớn là Tokyo và Osaka đến cuối tháng 9, thay vì cuối tháng 7 như dự kiến. Theo Bộ trên, quyết định này xuất phát từ chủ trương của Chính phủ Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 4 cho đối tượng là người già, nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc y tế trong các viện dưỡng lão. Dự kiến từ ngày 1/8, trung tâm tại Tokyo sẽ duy trì tốc độ tiêm chủng khoảng 1.000 lượt/ngày và trung tâm tại Osaka sẽ duy trì khoảng 500 lượt/ngày.