Dịch COVID-19 thay đổi thói quen kinh doanh và tiêu dùng ở Bỉ - Bài 1: Bùng nổ các nhà hàng trên mạng

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Brussels bị phong tỏa, chỉ những nhà hàng bán đồ ăn mang đi mới được hoạt động. Cùng với đó, các nhà hàng trên mạng cũng nở rộ như nấm sau cơn mưa. Kinh doanh đồ ăn online hiện đang đầy hứa hẹn.

Một nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang đi. Ảnh : DL

Một nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang đi. Ảnh : DL

Theo thống kê của Deliveroo, nền tảng giao đồ ăn trực tuyến của Anh, hiện đang hoạt động ở Bỉ, số lượng thương hiệu nhà hàng ảo đã tăng 26% trong một năm và 78% trong hai năm. Điều này cho thấy việc kinh doanh hàng ăn trên mạng trong thời kỳ dịch bệnh đang trở nên phát đạt.

Cuộc khủng hoảng coronavirus mang đến nhiều trở ngại cho nền kinh tế nhưng cũng tạo ra những cơ hội mới, cũng như gia tăng các xu hướng kinh doanh và tiêu dùng. Đó là trường hợp của ngành dịch vụ khách sạn. Các nhà hàng, khách sạn bị buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng để phòng dịch COVID-19, nhưng sau khi được hoạt động trở lại thì bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết bởi hiện tượng nhà hàng ảo. Có nghĩa là, các nhà hàng chỉ có duy nhất một căn bếp để chế biến món ăn mang đi cho những người đặt hàng trực tuyến.

Theo Deliveroo, Bỉ hiện có 230 nhà hàng loại này, so với 183 thương hiệu vào tháng 6/2020 và 129 thương hiệu vào năm 2019. Các nhà hàng có một hoặc nhiều thương hiệu ảo có doanh số tăng hơn 70%. Còn Uber Eats, một đối thủ cạnh tranh của Deliveroo chỉ ra rằng tính đến tháng Bảy vừa qua, số lượng nhà hàng trên mạng hay những « căn bếp tối » (chỉ duy nhất bán đồ ăn trên mạng) đã tăng gấp so với cùng kỳ 2019-2020.

Hiện Deliveroo hợp tác với 3.000 nhà hàng tại 27 thành phố của Bỉ và hy vọng tiếp tục có thêm nhiều đối tác mới và các thương hiệu ảo để cung cấp nhiều thực đơn đa dạng và hấp dẫn phù hợp với người tiêu dùng. Theo Rodolphe Van Nuffel, người phát ngôn của Deliveroo Bỉ, bên cạnh doanh thu tăng, các nhà hàng còn có điều kiện thử nghiệm những thực đơn mới trước khi đưa ra phục vụ tại bàn ăn mà không cần đầu tư thêm. Ngoài ra, đó là một cách để tối đa hóa tiềm năng ẩm thực của nhà hàng và tiếp cận nhiều khách hàng hơn, chẳng hạn một nhà hàng shusi làm món "cơm cá trộn" nhưng sử dụng cùng một nguyên liệu cơ bản để làm shusi. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng COVID đã khiến các nhà hàng phải trưởng thành từ hai đến ba năm so với bình thường.

Mở nhà hàng chỉ trong một tuần

Chế biến đồ ăn tại một nhà hàng "ảo". Ảnh : DL

Chế biến đồ ăn tại một nhà hàng "ảo". Ảnh : DL

Đây là những gì mà Damien Toulouse đã trải qua, người sáng lập nhà hàng Bruxelles Dam Sum và các thương hiệu ẩm thực châu Á trên mạng như Bim Bam Boum, Damn Damn Noodles, Kim Sum, Korean Fried Chicken, Double Dragon, tất cả đều trực thuộc thương hiệu chính Central Kitchen.

“Chúng tôi đã dự đoán xu hướng cơ bản này. Nhưng cuộc khủng hoảng COVID đã thúc đẩy chúng tôi đẩy nhanh sự phát triển của các nhà hàng ảo và tính đến việc mở rộng hoạt động tại các thành phố khác của Bỉ như Lìege và Ghent và thậm chí cả quốc tế. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu đến Paris và Lyon - thông qua nhượng quyền thương mại", Damien Toulouse cho biết.

Đối với chủ nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn hiện đại của Trung Quốc và Hàn Quốc như Damien Toulouse, "điểm mạnh của nhà hàng ảo nằm ở tốc độ thực hiện. Đôi khi chúng tôi chỉ mất một tuần để mở thêm một nhà hàng ảo như thế này, trong khi việc mở một chi nhánh của một trong những nhà hàng thực của chúng tôi trên quảng trường Place Saint-Catherine phải mất đến hai năm."

Mở nhà hàng trên mạng, người ta còn giảm được những chi phí hành chính trực tuyến vốn khá phức tạp và tốn kém đối với lĩnh vực ăn uống.

Điều này cũng hấp dẫn Costa Maghioros, chủ của nhiều thương hiệu nhà hàng ở Brussels, người cũng biết cách cân bằng hoạt động giữa thực và ảo theo các giai đoạn phong tỏa và cơ hội thị trường. Sau khi ra mắt thương hiệu Idea, dựa trên các món ăn Hy Lạp đương đại, Costa Maghioros bắt tay vào các món nướng dành cho bán bán mang đi với thương hiệu Slouvakeria và sẽ tiếp tục tung ra các món Tây Ban Nha vào tháng Chín với La Hacienda. Một "căn bếp ảo", mà việc triển khai "dễ hơn nhiều" để làm chủ việc tổ chức và tài chính, theo Costa Maghioros.

"Nếu nó hoạt động thực sự tốt, tôi sẽ mở một nhà hàng thật", Costa Maghioros cho biết. Đối với anh, thời kỳ COVID giống như một "máy gia tốc". "Nó đã giúp chúng tôi quảng bá thương hiệu của mình. Chúng tôi làm việc 7 ngày một tuần và doanh thu cao hơn so với thời kỳ trước COVID". Điều này củng cố ý tưởng của anh : có một thị trường được kết hợp giữa dịch vụ ăn uống và giao hàng, song song với hoạt động cổ điển phục vụ trong phòng ăn.

Từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hồi tháng Sáu, những thương hiệu ảo này vẫn được duy trì. "Chúng tôi đã giảm từ 20 đến 30% số lượng bếp ảo, điều này cho phép chúng tôi duy trì lợi nhuận hoàn toàn", Costa Maghioros vui mừng cho biết. Trong khi đó, Damien Toulouse cũng vô cùng hạnh phúc khi Central Kitchen có doanh thu tốt nhất khi các nhà hàng mở cửa trở lại. Điều này chứng tỏ khách hàng lại bắt đầu đi ra ngoài nhưng vẫn tiếp tục đặt món ăn từ các nhà hàng trực tuyến. Bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều khách hàng tìm ra một cách thưởng thức ẩm thực mới : sau một ngày dài làm việc từ xa, được ăn món mình yêu thích, được phục vụ tại nhà, một mình hoặc cùng với gia đình.

Cuối tuần, vẫn tìm được sự thư thái bên ngoài khi đi ăn ở nhà hàng, ngồi bên ngoài ngắm nhìn người qua lại hoặc tìm một không gian ấm cúng ở bên trong.

Những chủ nhà hàng tin rằng trong tương lai, hai tập quán sẽ cùng tồn tại chứ không phải cái nọ đè bẹp cái kia. Điều này đang hối thúc những người làm trong lĩnh vực nhà hàng mạnh dạn đầu tư trong khi họ luôn ngại trong việc kinh doanh đồ ăn mang đi.

Hương Giang (PV TTXVN tại Brussels)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-covid19-thay-doi-thoi-quen-kinh-doanh-va-tieu-dung-o-bi-bai-1-bung-no-cac-nha-hang-tren-mang-20210826101605931.htm