Dịch COVID-19: Thử nghiệm tiêm chủng cho tinh tinh và đười ươi

Một số con khỉ đột tại Sở thú San Diego đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 1. Ảnh: San Diego Zoo Global.

* Biến thể mới SARS-CoV-2 có thể 'qua mặt' kháng thể chống lại virus gốc

Ban quản lý vườn thú San Diego ngày 4/3 cho biết đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 4 con đười ươi và 5 con tinh tinh lùn, một sự kiện nổi bật trong lịch sử ngành thú y. Đây là lần đầu tiên trên thế giới các loài động vật linh trưởng không phải người được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ban quản lý vườn thú cho biết, từng cá thể linh trưởng được tiêm 2 liều vắc xin thử nghiệm của Zoetis, vốn ban đầu được thiết kế dành cho chó và mèo.

Kết quả là không con nào xuất hiện phản ứng bất lợi và đều khỏe mạnh. Trong số các cá thể linh trưởng được tiêm phòng có Karen, con đười ươi cái 28 tuổi, được chú ý nhất vườn thú do từng được phẫu thuật tim mở năm 1994.

Việc tiêm chủng cho các động vật trên được tiến hành do những quan ngại về sức khỏe động vật sau khi 8 con khỉ đột tại vườn thú Safari Park, chi nhánh của vườn thú San Diego, được phát hiện nhiễm COVID-19 hồi tháng 1 vừa qua.

Những động vật được lựa chọn tiêm nằm trong nhóm dễ có nguy cơ nhiễm virus nhất và cũng dễ tiêm chủng nhất.

* Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Medicine chỉ ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có tốc độ lây lan nhanh hơn, có khả năng "qua mặt" các kháng thể vốn có thể vô hiệu hóa bản gốc của virus này.

Để đánh giá xem các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (gồm biến thể phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil) có thể vượt qua kháng thể chống bản gốc hay không, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Washington (St. Louis, Mỹ) đã kiểm tra hiệu quả của kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 bản gốc đối với 3 biến thể mới của virus trong phòng thí nghiệm.

Các biến thể này được cho tương tác với kháng thể của người mắc COVID-19 đã hồi phục hoặc từng được tiêm vắc xin của hãng Pfizer.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra hiệu quả của kháng thể tìm được trong máu của chuột và khỉ sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm, do Đại học Y Washington phát triển. Kết quả cho thấy kháng thể với virus bản gốc cũng có thể vô hiệu hóa biến thể phát hiện ở Anh, với mức hiệu quả là ngang nhau.

Tuy nhiên, với 2 biến thể còn lại, lượng kháng thể cần thiết để vô hiệu hóa những biến thể này phải cao gấp từ 3,5-10 lần so với mức cần thiết để chống lại bản gốc.

Sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra tiếp các kháng thể đơn dòng (các kháng thể giống hệt nhau do cùng một tương bào sản xuất) vốn cho hiệu quả rất cao trong vô hiệu hóa virus bản gốc. Tuy nhiên, đưa các kháng thể này vào tương tác với các biến thể mới, kết quả thu được lại dao động từ "hiệu quả rộng rãi" đến "hoàn toàn không hiệu quả".

Theo tác giả nghiên cứu Michael S. Diamond, hiện chưa rõ chính xác hậu quả mà các biến thể mới của virus có thể gây ra nhưng kết quả nghiên cứu kể trên chỉ ra cần liên tục sàng lọc các kháng thể để đảm bảo chúng vẫn có hiệu quả với các biến thể virus mới xuất hiện và lây lan, từ đó điều chỉnh các chiến lược tiêm chủng và điều trị COVID-19 bằng kháng thể trong tương lai.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253011/dich-covid-19--thu-nghiem-tiem-chung-cho-tinh-tinh-va-duoi-uoi.html