Dịch COVID-19: Vắc xin đã làm giảm đáng kể số ca bệnh nặng và tử vong

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi nhìn vào các dữ liệu về tình hình dịch bệnh hiện tại ở Mỹ, Anh và phần còn lại của châu Âu, sẽ là không quá nếu nghĩ rằng sau 18 tháng ròng rã chống dịch và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, thế giới vẫn đang “sa lầy” với COVID-19. Nhưng cũng không thể phủ nhận số ca bệnh nặng và tử vong đã giảm đáng kể.

Trên thực tế, số ca mắc mới tại các nước phương Tây vẫn ở mức cao và có khi còn lên những con số tương đương các mức đỉnh từng ghi nhận trong các làn sóng dịch bệnh trước.

Tại Mỹ, dữ liệu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho thấy trung bình số ca mắc mới 7 ngày gần nhất ở đang ở 153.246 ca, tăng 4,9% so với trung bình ghi nhận 7 ngày trước đó (146.087 ca) và cao hơn 123,6% so với giai đoạn tương ứng cách đây một năm. Tổng cộng, hơn 40 triệu ca COVID-19 đã được ghi nhận tại Mỹ, tính đến ngày 9/9.

Thêm một bằng chứng khoa học nữa cho thấy việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 mang lại tác dụng bảo vệ quan trọng, ngay cả trong việc ngăn chặn biến thể siêu lây nhiễm Delta. Ngày 10/9, Đài Phát thanh Công cộng Mỹ (NPR) dẫn nghiên cứu mới từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này cho thấy những người chưa tiêm chủng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 11 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.

Nghiên cứu trên được công bố không lâu sau khi ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các quy định bắt buộc về tiêm chủng vắc xin đối với toàn bộ nhân viên liên bang, các doanh nghiệp trên 100 nhân viên, đội ngũ chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất từ CDC Mỹ còn cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn gần 5 lần trong khi nguy cơ phải nhập viện vì bệnh trở nặng cũng thấp hơn 10 lần so với người chưa tiêm chủng.

Phát biểu tại một cuộc họp về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 10/9, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, cho biết: "CDC đã xem xét các các ca mắc, nhập viện và tử vong ở 13 bang và kết quả cho thấy thêm bằng chứng về sức mạnh của tiêm chủng. Như chúng tôi đã chỉ ra, từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, tiêm chủng có hiệu quả”.

Tuy nhiên, các nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 600.000 người Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 4/4 đến ngày 17/7 này cũng cho thấy hiệu quả của vắc xin có thể đã giảm xuống khi biến thể Delta trở nên chiếm ưu thế.

Nguyên nhân có thể là do khả năng miễn dịch giảm hoặc biến thể có khả năng né tránh tốt hơn hệ thống miễn dịch, hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố này. Tính đến ngày 10/9, gần 75% dân số Mỹ đủ điều kiện tiêm vắc xin (từ 12 tuổi trở lên) đã tiêm ít nhất 1 mũi. Theo CDC, khoảng 54% đã tiêm chủng đầy đủ.

Trong khi đó, theo CDC châu Âu (ECDC), tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu ÂU (EEA) với tổng cộng 30 quốc gia, trong giai đoạn 7 ngày tính đến 5/9, 405.774 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận, trong đó Ireland, Pháp, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Bulgaria nằm trong số những quốc gia ghi nhận số ca mắc mới/100.000 dân cao nhất trong khu vực.

Hiện, tình trạng số ca mắc mới duy trì ở mức cao được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vượt trội so với mọi biến thể khác về tốc độ lây lan. Tuy nhiên, đáng chú ý, tình trạng gia tăng ca nhiễm mới cũng song hành với những tiến bộ mà các chương trình tiêm chủng tại các nước phương Tây đạt được, với đa số người trưởng thành ở cả Mỹ và châu Âu đều đã được tiêm phòng đầy đủ.

Theo dữ liệu của CDC (Mỹ), 62,4% những người trên 12 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ trong khi hơn 82% người trên 65 tuổi cũng đã hoàn thành tiêm chủng. Trong khi đó, dữ liệu do ECDC cung cấp cũng cho thấy tại Anh, 80,4% dân số trên 16 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ và ở khu vực EU/EEA, 70,4% người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi.

Một lưu ý quan trọng là hiện nay dù số ca mắc mới tăng cao nhưng số ca nhập viện và tử vong vẫn duy trì ở mức thấp hơn (thậm chí thấp rất nhiều ở một số nước) so với những giai đoạn dịch bệnh trước đó khi tỉ lệ bao phủ tiêm chủng còn thấp.

Điều này chứng minh rằng các chương trình tiêm phòng ở các nước phương Tây đã giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Có một đặc điểm cần lưu ý khác nữa là tất cả các loại vắc xin được sử dụng tại Mỹ và châu Âu đều không bảo đảm bảo vệ 100% trước nguy cơ lây nhiễm, nghĩa là có một số người đã tiêm vẫn có thể măc bệnh (các ca vượt rào), và một số lượng nhỏ sẽ phát triệu chứng.

Biến thể Delta cũng được cho là có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin và một số nghiên cứu mới cũng chỉ ra khả năng miễn dịch có được sau tiêm phòng cũng sẽ suy giảm theo thời gian.

Lý giải về tình hình trên, chuyên gia phân tích dữ liệu dịch bệnh truyền nhiễm tại Anh, Andrew Freedman, cho biết biến thể Delta là biến thể lây lan nhanh và là nguyên nhân đứng sau tình trạng gia tăng ca mắc mới trong khi hầu hết các biện pháp hạn chế tại Anh đã được dỡ bỏ và người dân đi lại tự do hơn.

Những người nhiễm bệnh hiện bao gồm cả người chưa tiêm phòng, người đã tiêm một mũi và có cả những người đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng phần lớn các ca mắc mới là ở nhóm người lớn và trẻ em chưa tiêm phòng.

Các chuyên gia tại Anh nhấn mạnh các vắc xin chỉ có tác dụng phần nào giúp con người tránh bị lây nhiễm biến thể Delta nhưng lại có hiệu quả cao hơn nhiều trong bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Hầu hết người tiêm phòng đầy đủ chỉ có triệu chứng nhẹ nếu bị nhiễm biến thể này, trừ một số lượng rất nhỏ người già và người thể trạng yếu có biểu hiện bệnh nặng.

Tại Anh, dữ liệu mới nhất từ nghiên cứu ZOE dựa trên ứng dụng theo dấu COVID-19 với khoảng 1 triệu người trong cộng đồng mỗi tuần ước tính trong nhóm dân được tiêm phòng đầy đủ, hiện có khoảng 17.674 ca mắc mới có triệu chứng mỗi ngày.

Trong khảo sát công bố ngày 9/9, ZOE lưu ý rằng các ca mắc mới trong nhóm này tăng đều đặn trong thời gian qua nhưng nay đã ổn định với số liệu tuần trước là 17.342 ca. Trong khi đó, số ca mắc mới cao nhất trong nhóm từ 0-18 và 18-35 tuổi, nhiều người mới được được tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm phòng.

Tình trạng tương tự được ghi nhận ở Mỹ và phần còn lại của châu Âu trong tháng trước. Số liệu của CDC Mỹ ho thấy các ca mắc mới cao nhất được ghi nhận trong nhóm người trưởng thành 16-17 tuổi ( dù các nhóm tuổi từ 12-49 cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh trong thời gian gần đây).

Tại khu vực EU/EEA, số ca mắc mới cao nhất ghi nhận trong nhóm từ 25-49 tuổi, sau đó là nhóm từ 15-24 tuổi và số ca mắc mới cũng đang tăng trong nhóm trẻ em, tuổi từ 5-14.

Thời gian gần đây, các chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm và y tế cộng đồng dần nhất trí với quan điểm rằng COVID-19 là căn bệnh mà thế giới sẽ dần phải làm quen, virus sẽ trở nên đặc hữu và không thể bị xóa bỏ.

Việc theo đuổi chiến lược xóa bỏ COVID-19 (zero COVID) dần bị hầu hết các quốc gia đánh giá là vô vọng. Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann, từ Đại học Imperial London, cho rằng mỗi nước cần phải tự đánh giá xem họ có thể “chịu đựng” virus ở mức độ nào.

Theo Giáo sư Altman, thế giới luôn hiểu và vẫn công nhận rằng vắc xin có khả năng tuyệt vời và tạo ra mức độ bảo vệ đáng kể. Dù có một số nghiên cứu chứng minh biến thể Delta có thể làm suy yếu hiệu quả bảo vệ của vắc xin những chuyên gia này khẳng định vắc xin vẫn có mức độ bảo vệ đủ để giúp hầu hết mọi người đều sẽ an toàn sau khi tiêm phòng.

Theo đó, nếu với tốc độ lây lan hiện nay của Delta mà không có vắc xin thì số ca tử vong có thể đã lên tới vài nghìn người/ngày và đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vắc xin đang phát huy tác dụng ra sao.

Liên quan tới công tác bào chế vắc xin, nhà sáng lập hãng dược phẩm BioNTech của Đức, bà Özlem Türeci thông báo công ty này chuẩn bị bào chế vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi sau vài tuần nữa. Trong khi đó, Hãng dược phẩm Moderna ngày 9/9 thông báo đang phát triển loại vắc xin 1 mũi duy nhất, kết hợp giữa mũi tăng cường chống COVID-19 với vắc xin cúm thử nghiệm của hãng, với hy vọng có thể đưa ra thị trường mũi tiêm vắc xin hằng năm chống virus thể bào gây bệnh lý hô hấp (RSV) và các loại bệnh về hô hấp khác.

Trong diễn biến khác, The Economic Times dẫn nguồn thạo tin cho biết Ấn Độ quyết định không chia sẻ vắc xin COVID-19 với phần còn lại của thế giới thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vắc xin Gavi đứng đầu cho đến khi hoàn tất tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hồi tháng 3/2021, Ấn Độ tạm thời đình chỉ tất cả các lô vắc xin ngừa COVID-19 xuất khẩu chính, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) có trụ sở tại Pune, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, là nhà cung cấp chính cho COVAX. Vào tháng 5 năm nay, khi các ca COVID-19 tăng mạnh ở Ấn Độ, Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla cho biết SII sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vắc xin và ưu tiên Ấn Độ, nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ khởi động lại việc cung cấp vắc xin cho COVAX và các quốc gia khác vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, một quan chức chính phủ cấp cao tiết lộ rằng trong các cuộc thảo luận gần đây của chính phủ, Ấn Độ đã quyết định sẽ “tiếp tục đình chỉ việc cung cấp vắc xin cho COVAX cho đến khi tất cả những người trưởng thành (ở Ấn Độ) được chủng ngừa đầy đủ”.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263855/dich-covid-19--vac-xin-da-lam-giam-dang-ke-so-ca-benh-nang-va-tu-vong.html