Dịch COVID-19: WHO đánh giá về khả năng lây nhiễm của Omicron
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một nhà ga ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
* Tỉ lệ nhập viện do biến thể Omicron thấp hơn so với biến thể Delta
Ngày 22/12, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove cho biết WHO vẫn chưa có đủ dữ liệu về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 để nói rằng biến thể này dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta, gần một tháng sau khi Nam Phi ban bố tình trạng khẩn cấp do Omicron.
Phát biểu họp báo, bà van Kerkhove nói: "Chúng tôi chưa thấy biến thể này lưu lại đủ lâu trong các cộng đồng dân cư trên khắp thế giới, cụ thể là trong những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất định".
Bà cho biết dữ liệu về biến thể Omicron, lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi và Hongkong vào tháng 11 vừa qua, vẫn còn "lộn xộn" khi các quốc gia báo cáo sự xuất hiện và tình trạng lây lan của biến thể này.
Cùng ngày Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng việc các nước giàu có gấp rút tiến hành tiêm các liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin, là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài.
Ông Tedros nói: "Các chương trình tiêm chủng tăng cường diện rộng có khả năng kéo dài đại dịch COVID-19, thay vì kết thúc nó".
Ngoài ra, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định "các loại vắc xin hiện nay cho thấy hiệu quả trong việc chống lại cả chủng Delta và Omicron".
* Kết quả 2 công trình nghiên cứu công bố ngày 22/12 tại Anh cho thấy người mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ phải nhập viện hơn so với người nhiễm biến thể Delta.
Trong nghiên cứu thực hiện tại vùng Scotland, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu của các ca mắc COVID-19 trong tháng 11-12 và chia thành hai nhóm, gồm những người nhiễm biến thể Omicron và người nhiễm biến thể Delta.
Nghiên cứu phát hiện rằng nguy cơ nhập viện do biến thể Omicron thấp hơn khoảng 70% so với biến thể Delta và việc tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa COVID-19 có thể cải thiện đáng kể khả năng bảo vệ, ngăn chặn các triệu chứng.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Jim McMenamin, nhận định kết quả nghiên cứu mang đến thông tin tích cực khi các dữ liệu thống kê ban đầu cho thấy số ca nhập viện do nhiễm biến thể Omicron giảm.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai thực hiện tại vùng England nhận thấy số ca nhập viện do Omicron thấp hơn 20-25% so với Delta. Ngoài ra, số trường hợp phải nằm viện ít nhất một đêm cũng thấp hơn 40-50%.
Tuy nhiên, chuyên gia Azra Ghani tại Đại học Hoàng gia London - đồng tác giả của nghiên cứu trên, cảnh báo dù nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn nhưng nguy cơ lây nhiễm biến thể này vẫn rất cao. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm một mũi vắc xin tăng cường.
Các nghiên cứu trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy biến thể Omicron không có khả năng gây bệnh nặng. Trước đó, một nghiên cứu công bố cùng ngày 22/12 ở Nam Phi cho thấy trong số những người nhiễm biến thể Omicron ở nước này chỉ có 2,5% phải nhập viện điều trị, so với Tỉ lệ 12,8% với biến thể Delta.
Nghiên cứu phân tích dữ liệu của 161.328 ca mắc COVID-19 từ ngày 1/10-6/12, do Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) của Nam Phi, Đại học Witwatersrand và Đại học Cape Town phối hợp thực hiện.