Dịch Covid-19: Xuất hiện tín hiệu lạc quan
Đã xuất hiện tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống Covid-19 khi trong tuần này số ca nhiễm mới giảm mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia từng ghi nhận tình cảnh tồi tệ vì đại dịch.
Ngoài ra, thêm một bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là hôm qua, Mỹ đã chính thức phê duyệt loại vaccine chỉ tiêm một liều của hãng Johnson&Johnson.
Theo trang thống kê Worldometers, tổng số ca lây nhiễm mới trên toàn cầu giảm mạnh trong thời gian gần đây, từ mức hơn 5 triệu ca một tuần hồi đầu tháng 1 xuống còn 2,7 triệu ca trong tuần từ ngày 20/2 đến ngày 27/2. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận tại các nước từng ở vào tình cảnh tệ nhất hồi cuối năm 2020 như Mỹ, Anh, Nam Phi, Israel hay Bồ Đào Nha, với mức giảm lên tới 50%. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp giãn cách, đeo khẩu trang, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng được cho là nhân tố kéo giảm lây nhiễm.
Tính đến hôm qua , trong chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu, 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm hơn 231 triệu liều. Israel là nước đi đầu trong nỗ lực này, với hơn 50% tổng dân số được tiêm ngừa ít nhất một mũi. Tiến độ tiêm vaccine tại Mỹ cũng vượt kế hoạch, khi hoàn thành được 50% mục tiêu trong khoảng 1/3 thời gian đề ra, với trung bình 1,44 triệu mũi tiêm/ngày.
Bác sỹ Yeashea Braddock, người phụ trách tiêm vaccine tại hạt Morris, thuộc bang New Jersey, Mỹ nói: “Muốn trở lại cuộc sống bình thường thì chúng ta cần phải đi tiêm phòng. Nó sẽ giúp bảo vệ cộng đồng, đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Cho dù mọi người có chút e ngại khi đi tiêm thì là một thành viên cộng đồng, việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ an toàn cho mình mà còn cho tất cả người khác”.
Nỗ lực triển khai vaccine toàn cầu cũng có thêm các tín hiệu vui khi một số loại vaccine được chứng minh có hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, nguồn cung có thể sẽ dồi dào hơn sau khi có thêm một số mẫu được cấp phép lưu thông. Nghiên cứu khoa học quy mô nhất của Israel mới đăng trên tạp chí uy tín Lancet khẳng định, vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ lên tới 94% đối với những trường hợp mắc có triệu chứng.
Kết luận khoa học này có ý nghĩa rất lớn với chiến dịch tiêm phòng đại trà trên thế giới, khi các kết luận về hiệu quả vaccine trước đó mới chỉ dừng ở góc độ thử nghiệm lâm sàng, không phải trong các điều kiện thực tế với sự đa dạng về thành phần, hậu cần cũng như bảo quản vaccine. Liên danh Pfizer-BioNTech cũng đang tiến hành cứu bổ sung thêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba vào cơ chế tiêm chủng và thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi.
Về nguồn cung mới, hôm qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 chỉ cần tiêm một liều duy nhất của hãng Johnson&Johnson cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được Mỹ thông qua. Vaccine của hãng Johnson&Johnson được dư luận quan tâm vì đây là một trong số ít những loại vaccine ngừa Covid-19 chỉ phải tiêm một liều và có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường.
Những dấu hiệu cải thiện trong cuộc chiến đẩy lùi virus SARS-CoV-2 được ghi nhận vào thời điểm nhiều nước đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng và con người đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc bào chế, phát triển các loại vaccine. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng thế giới cần tiếp tục đề cao cảnh giác về những diễn biến khó lường của dịch bệnh, chưa kể đến thực trạng chênh lệnh về sự tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn chưa được cải thiện, trong khi sự an toàn chỉ đạt được nếu như đó là điều dành cho tất cả mọi người./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dich-covid-19-xuat-hien-tin-hieu-lac-quan-840007.vov