Dịch cúm gia cầm phủ bóng nhiều nước Á – ÂuTin khácNâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hôịMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), trong những ngày gần đây, thế giới tiếp tục ghi nhận những đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trên diện rộng ở nhiều nước châu Á và châu Âu.Sự bùng phát trở lại của dịch cúm gia cầm đặt ngành chăn nuôi nhiều nước vào tình trạng báo động, sau khi hàng chục triệu con gia cầm trong các trang trại chăn nuôi khắp thế giới bị đem tiêu hủy, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Trang trại gà ở Kondrajec Pański, miền Đông Trung bộ Ba Lan. Ba Lan là nước xuất khẩu gia cầm lớn nhất châu Âu. Nguồn: Getty Images

Số liệu do OIE vừa công bố cho thấy, tại châu Á, dịch cúm gia cầm bùng phát ở một trang trại tại Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc khiến chính quyền địa phương buộc phải tiêu hủy 770.000 con gia cầm. Nhật Bản cũng vừa báo cáo đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đầu tiên trong mùa đông 2021 tại trang trại ở thành phố Yokote, tỉnh Akita, miền Đông Bắc nước này.

Theo đó, loại virus cúm mang độc lực cao tại đây được xác định là virus H5N8. Nhà chức trách Nhật Bản đã lập tức tiêu hủy 143.000 con gia cầm của trang trại này, đồng thời thiết lập khu vực cấm với bán kính 10km xung quanh địa điểm dịch cúm bùng phát.

Cũng trong nửa đầu tháng 11, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở nhiều nước châu Âu. Na Uy, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Ba Lan… đều ghi nhận nhiều điểm dịch, với các chủng virus cúm gia cầm khác nhau.

Nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp phòng dịch khẩn cấp, yêu cầu tất cả trang trại chăn nuôi phải nuôi nhốt gia cầm, có hàng rào lưới sắt bảo vệ đàn gia cầm không tiếp xúc với các loài chim di cư hoang dã-vốn được cho là nguồn lây nhiễm mang virus cúm gia cầm trong tự nhiên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 8 chủng virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người. Cuối tháng 12 năm ngoái, tại trang trại ở Vladimirskaya gần thành phố Astrakhan, miền Nam nước Nga, nhà chức trách đã phát hiện và tiêu hủy 900.000 con gia cầm mắc virus cúm H5N8. Ngay sau đó, người ta còn phát hiện có 7 công nhân làm việc tại trang trại này mắc H5N8.

Còn tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã ghi nhận 48 ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người (so với 5 ca trong cả năm 2020), trong đó đã có 6 ca tử vong và nhiều ca trở nặng.

Điều này cho thấy, đây là chủng virus mang độc lực mạnh và rất nguy hiểm. Các trường hợp người mắc H5N6 đều là công nhân làm việc trực tiếp tại các trang trại chăn nuôi gia cầm.

WHO và các nhà virus học Trung Quốc đã bày tỏ sự lo lắng và kêu gọi chính phủ các nước tăng cường cảnh giác. “Khả năng virus cúm lây lan từ người sang người là thấp, song vẫn cần phải giám sát chặt chẽ hơn ở các khu vực có dịch và các vùng lân cận để hiểu rõ hơn về nguy cơ và sự gia tăng lây lan virus cúm từ người sang người”, đại diện của WHO tại khu vực Thái Bình Dương cho biết.

Còn theo tuyên bố của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc Gao Fu và Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y khoa Sơn Đông Shi Weifeng thì sự lây lan của vi rút H5N6 là một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe con người.

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho hay, virus cúm gia cầm “đang phát triển thành một nguồn gen virus đa dạng, rộng lớn… Tác nhân gây bệnh có thể biến thành tác nhân siêu độc lực; trong hình thức chăn nuôi hàng loạt động vật giống hệt nhau về mặt di truyền, mầm bệnh mới mang siêu độc lực sẽ nhanh chóng lây lan trong bầy đàn”.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng các loài chim di cư hoang dã đem mầm virus là nguyên nhân làm lây lan bệnh cúm gia cầm dọc đường di cư của chúng, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chính các trang trại chăn nuôi công nghiệp mới là “cái lò ấp” tiềm năng tạo nên các biến thể virus cúm mới có độc lực cao gây chết người.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, điều kiện chăn nuôi gia cầm chật chội, đông đúc trong các trang trại là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm, đồng thời đóng vai trò như một “cầu nối dịch tễ học” giữa động vật hoang dã và các bệnh lây nhiễm sang người.

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trị bệnh, lượng gia cầm tập trung đông đúc, và sự tương đồng về gen giữa các loài động vật tạo điều kiện lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác hợp nhất, đột biến, lây lan trong đàn gia cầm và sau đó truyền sang con người.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp các nước trên thế giới thì sự bùng phát trở lại của dịch cúm gia cầm lại tạo thêm thách thức cho nỗ lực phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.

Đặc biệt, khi mọi nguồn lực đang tập trung dồn vào khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, người ta dễ bỏ qua mức độ nghiêm trọng cũng như những hậu quả mà dịch cúm gia cầm có thể gây ra cho con người.

Theo Quandoinhandan

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/462474-dich-cum-gia-cam-phu-bong-nhieu-nuoc-a-au.html