Dịch cúm virus corona thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà ở Trung Quốc

Nhiều công ty ở Trung Quốc đang hướng đến thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà với các cuộc họp và trao đổi công việc qua videochat hoặc phần mềm hỗ trợ trong bối cảnh dịch coronavirus lan rộng.

Sự bùng phát của coronavirus, làm việc tại nhà không còn là một đặc quyền mà trở thành điều cần thiết tại nhiều thành phố ở Trung Quốc.

Những ngày qua, các nhà máy, cửa hàng, khách sạn và nhà hàng thay nhau cảnh báo về việc giảm lưu lượng khách hàng đang biến các trung tâm thành phố thành những "thị trấn ma". Trong khi đó, đằng sau cánh cửa đóng kín các căn hộ và nhà ở ngoại ô Trung Quốc, hàng nghìn doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách hoạt động trong thế giới ảo.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Alvin Foo, giám đốc điều hành Repawn Digital, một công ty quảng cáo ở Thượng Hải với 400 nhân sự thuộc Tập đoàn Interpublic cho biết: "Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi thử nghiệm làm việc tại nhà với quy mô nhất định. Rõ ràng là không dễ dàng đối với một công ty quảng cáo sáng tạo, thông thường phải gặp trực tiếp phát triển ý tưởng rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với nhiều cuộc trò chuyện video và các cuộc gọi điện thoại".

Các nhóm người làm việc tại nhà sắp phát triển thành những "đội quân". Hiện tại, hầu hết dân Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng khi các công ty Trung Quốc bắt đầu hoạt động lại, họ có khả năng mở ra cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới.

Sẽ có nhiều người thử nghiệm tổ chức các cuộc họp khách hàng và thảo luận nhóm thông qua các ứng dụng video chat hoặc thảo luận về kế hoạch trên các nền tảng như WeChat Work hoặc Bytedance, Lark.

Tiên phong cho mô hình nhân viên phân tán mới này là trung tâm tài chính Trung Quốc - Hong Kong và Thượng Hải, thành phố có khu kinh doanh trung tâm phụ thuộc vào hàng trăm nghìn nhân viên văn phòng trong lĩnh vực tài chính, hậu cần, bảo hiểm, luật và các công việc văn phòng khác.

"Không có các cuộc họp, lịch trình của tôi khá trống", ông Jeffrey Broer, một cố vấn về đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong nói. "Một người đã gửi email cho tôi: 'Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu đó vào tháng 2 chứ?"

Một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất đối với các nhân viên là tác động thay đổi nhanh chóng của virus, điều này khiến chỉ thị của công ty có thể thay đổi theo ngày.

Tiko Mamuchashvili, một nhà tổ chức sự kiện cấp cao tại khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, dự định trở lại làm việc vào 31/1, ban đầu được cho biết kỳ nghỉ của cô sẽ được kéo dài đến ngày 3/2. Sau đó, cô nhận được thông báo làm việc tại nhà thêm hai ngày nữa. Vài ngày sau, chỉ thị được gia hạn đến ngày 10/2. Cô phải thông báo cho bộ phận của mình mỗi sáng về nơi ở của mình và báo cáo xem cô có đang bị sốt hay không.

"Thông thường, việc đi làm trở lại sau kỳ nghỉ sẽ có một chút cảm giác khác biệt, nhưng làm việc tại nhà lần này với thông báo gấp như vậy thậm chí còn cảm thấy bất thường hơn", cô nói. Với việc các sự kiện tại khách sạn bị hủy bỏ diễn ra hàng ngày, "về cơ bản, tất cả những gì tôi có thể làm là trả lời email".

Một số nhà quản lý lo lắng "cuộc di cư của dân văn phòng" sẽ làm giảm năng suất, nhưng có bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Stanford ở California cho thấy năng suất của các nhân viên trung tâm cuộc gọi tại công ty du lịch Trung Quốc Ctrip tăng 13% khi họ làm việc tại nhà, do nghỉ giữa giờ ít hơn và môi trường làm việc thoải mái hơn.

Dịch vụ cho thuê không gian làm việc chung ế ẩm

Virus corona tạo ra cuộc thử nghiệm làm tại nhà ở quy mô rộng hơn, nhưng nó gây ra mối đe dọa cho một mô hình kinh doanh mới khác: cho thuê không gian làm việc chung (co-working space). Thời gian qua, khi giá thuê bất động sản không ngừng tăng, dịch vụ cho thuê không gian làm việc chung nở rộ, nhưng nay, dịch bệnh khiến mọi người không dám sử dụng các dịch vụ phòng làm việc tập thể.

"Đây sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn", ông Dave Tai, phó giám đốc của Beeplus, một đơn vị cho thuê không gian làm việc và làm bánh tại Trung Quốc với 300 nhân viên nói. Virus corona khiến đơn vị này phải hoãn việc mở địa điểm ở Bắc Kinh và ông nói rằng việc ông và những người khác trong ngành làm việc tại nhà là điều không thể.

Không có khách hàng sẵn sàng làm việc trong không gian tiếp xúc gần, doanh nghiệp kiểu này sẽ chết. "Cốt lõi của không gian làm việc là cộng đồng, mọi người đến với nhau. Rất khó khăn để thay thế sự tương tác và kết nối đó bằng (công nghệ) trực tuyến", ông nói.

Với nhiều công ty, việc chỉ thị nhân viên ở nhà chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Nhiều công ty dựa vào các nhà máy, công ty hậu cần và các cửa hàng bán lẻ phải đối mặt với sự gián đoạn. Nếu các nhà máy không làm việc trở lại, sẽ không có kế hoạch B nào.

Mặc dù số liệu thống kê cho thấy corona virus mới không gây chết người nhiều như SARS, nhưng nó đã lây nhiễm cho nhiều người hơn và tốc độ lây lan của căn bệnh này đang làm tăng thêm nỗi sợ hãi. Phần lớn thiệt hại được dự đoán đối với nền kinh tế trong đợt bùng phát hiện nay có khả năng đến từ những thay đổi trong tâm lý con người, ông Cameron, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra nói.

Ông cho biết Sars làm "bốc hơi" 40 tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu và dự đoán coronavirus sẽ còn gây thiệt hại gấp ba hoặc bốn lần số tiền đó. "Hoảng loạn dường như sẽ là thứ bào mòn nền kinh tế lớn nhất, chứ không phải cái chết".

Phương Anh (Nguồn: Business Insider)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/dich-cum-virus-corona-thu-nghiem-mo-hinh-lam-viec-tai-nha-o-trung-quoc-ar525384.html