Dịch giả Phan Cẩm Thượng: 'Phật giáo là con đường nhận thức - giác ngộ'
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vừa 'tái xuất' làng sách trong vai trò dịch giả cuốn 'Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng' (dịch cùng con gái Phan Tường Linh).
Phan Cẩm Thượng từ lâu đã là một cái tên ‘khó lẫn lộn’ trong giới nghiên cứu lẫn xuất bản Việt Nam. Với bề dày 40 năm nghiên cứu, ông từng gây tiếng vang với Tập tục đời người, Văn minh vật chất của người Việt, Mỹ thuật của người Việt… Bên cạnh những công trình về văn hóa dân tộc nói chung, không thể không nhắc đến những nghiên cứu công phu của ông về Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam như Nghệ thuật Phật giáo Bút Tháp, Chùa Dâu và Nghệ thuật Tứ pháp…
Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là một cuốn sách kinh điển của học giả người Anh Robert Beer, giải mã ý nghĩa những biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng. Dù “không phải là Kinh tạng, mà là sách nghiên cứu biểu tượng học thuần túy”, nhưng sách chắc chắn mang đến cho những người học Phật một trải nghiệm tìm hiểu Phật giáo thật riêng lạ và sâu sắc.
Nhân dịp cuốn Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng vừa ra mắt, VietNamNet đã có dịp trò chuyện với họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
- Ông từng đi sơ tán và vào học ở chùa quê từ năm 8 tuổi. Cuộc đời sau này của ông gắn với các ngôi chùa qua việc nghiên cứu, vẽ và viết sách về những nghệ thuật cổ, di sản Phật giáo Việt Nam. Mối duyên này ảnh hưởng thế nào đến việc ông chọn dịch cuốn sách Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng?
Bà ngoại tôi là người theo Đạo Phật thuần thành, ngày nào cũng tụng kinh, năm nào cũng đi chùa Hương. Ngoài thờ chồng nuôi con và thờ Phật, không quan tâm đến bất cứ một việc gì khác. Bà ảnh hưởng đến tôi sâu sắc, dù không ở gần bà nhiều. Do gia đình bố mẹ tôi khá phức tạp nên tôi thấy sống như bà an bình.
Khi đi học sơ tán, chủ yếu trong các đền chùa làng, do trường sơ tán không có địa điểm cố định, tôi rất thích những pho tượng Thần Phật vì thấy đẹp và hoành phi, câu đối, bia đá có khắc nhiều chữ Nho mà tôi tò mò muốn hiểu ý nghĩa trong đó.
Có thể nói tôi đến với Phật giáo một cách tự nhiên, rồi sau này đi học tại trường Đại học Mỹ thuật, nghiên cứu vốn cổ dân tộc là một môn quan trọng, trong đó nghệ thuật Phật giáo chiếm một địa vị lớn. Tôi dạy lịch sử Nghệ thuật Việt Nam nên đương nhiên phải nghiên cứu Nghệ thuật Phật giáo.
- Cảm nhận và suy nghĩ của ông khi lần đầu đọc Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng? Thời khắc nào từ việc “đọc để hiểu”, ông quyết định sẽ dịch cuốn sách?
Một người bạn cho tôi bản pdf cuốn Bách khoa thư Biểu tượng và Mô típ Tây Tạng, cũng của Robert Beer. Thực ra, tôi định đọc và dịch phần nào để nghiên cứu thôi. Sau đó, tôi nhờ mua được cả hai cuốn Bách khoa thư và Sổ tay, nên tập trung vào cuốn Sổ tay mà tôi tưởng là dễ đọc hơn.
Hóa ra cuốn này khá khó, nhưng do rất nhiều biểu tượng Phật giáo, trong đó trùng hợp với nhiều biểu tượng trong chùa Việt Nam, nên tôi cố gắng hiểu vì sao và bằng cách nào Phật giáo Tây Tạng lại có mặt ở Việt Nam, trong đó có chùa Bút Tháp. Nhưng đọc dần, hóa ra tôi thấy các thuật ngữ Phật giáo Phạn, Tạng trong sách tôi đã biết tương đương với thuật ngữ Hán/Việt, nên không khó khăn gì để tiếp nhận.
- Tại sao ông lại chọn dịch một cuốn sách về Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng chứ không phải Phật giáo ở vùng đất khác hay thuộc tôn phái khác?
Tôi không hề có tham vọng lao vào một lĩnh vực không được đào tạo là Phật học mà chỉ quan tâm những gì liên quan đến Nghệ thuật Phật giáo.
Cuốn sách của Robert Beer không phải là Kinh tạng mà là sách nghiên cứu biểu tượng học thuần túy, nhưng biểu tượng học cần phải giải thích sâu sắc nguồn gốc, ý nghĩa của nó trong đời sống tôn giáo mà các công trình nghiên cứu khác về Biểu tượng Phật giáo Tiểu thừa, Đại thừa chưa có những lý giải khoa học và thu hút đến như vậy.
- Trong lời giới thiệu cuốn sách, ông viết rằng, “quá trình đọc và dịch, nhiều điều bất ngờ đã hiện ra”. Ông có thể chia sẻ về những bất ngờ đó?
Như trên đã nói, thoạt tiên do thấy nhiều biểu tượng Phật giáo ở Việt Nam trùng hợp với Phật giáo Tây Tạng mà tôi chú ý đến cuốn sách này.
Ví dụ: Tấm khắc cây quả ở chùa Thầy mà người ta gọi là quả thiêng, thực ra là biểu tượng Chuyển pháp luân, các cây Cửu phẩm liên hoa và những biểu tượng trên đó ở chùa Bút Tháp, chùa Cập Nhất, chùa Phẩm, các biểu tượng núi Tu Di, con ngựa gió, các biểu tượng Bát bửu…
Những cái này được các thầy tôi - những người nghiên cứu trước - giải thích mơ hồ, khi đọc cuốn sách này mới thấy rõ. Điển hình là hình tượng Người lùn đỡ trụ đấu chạm khắc trên các chùa Thái Lạc, chùa Dâu… thực ra đó là Đại hắc Thiên thần (có trong sách). Với tôi đó là những phát hiện bất ngờ, và tất nhiên là cách lý giải, văn phong của tác giả là bất ngờ khác.
- Trong sách này, những câu chuyện, điển tích nhà Phật rất thú vị. Ông có nghĩ rằng những nét mềm mại, hấp dẫn ẩn tàng như vậy là cần thiết, để những công trình nghiên cứu bớt nặng nề, khô khan và dễ đọc hơn?
Thực ra, làm và đọc nghiên cứu không chờ đợi sách hay, sách bất ngờ, mà đây là công việc tỉ mỉ, tốn thời gian, nhưng sách dễ đọc giúp người đọc tiếp cận tốt hơn. Khi viết sách, tôi rất chú ý đến điều này nên thường viết bằng giọng văn kể chuyện.
Còn tác giả Robert Beer đã viết bằng một lối văn rất đẹp, đầy tình yêu với con người và công việc ông làm với sự dâng hiến, mà tôi gọi đó là lối văn uyển nhã. Ngay từ đầu, ông dẫn câu thơ: “Sau hàng triệu năm chiếu sáng/Mặt trời chẳng bao giờ nói với trái đất/Em nợ anh/Tâm tưởng về tình yêu cũng như vậy”. Đó chính là lòng bác ái Phật giáo mà ông cảm nhận được khi nghiên cứu Kim cương thừa và sống với các Đạt ma, họa sĩ thần thánh Tây Tạng, Ấn Độ.
- Ông có thể kể về chuyến đi Tây Tạng đã góp phần khiến ông muốn thực hiện cuốn sách? Có những kỷ niệm, câu chuyện hay quan sát nào thú vị ông muốn chia sẻ?
Về chuyến đi Tây Tạng, tôi có viết một bài trên tạp chí Tia sáng, hồi năm 2006. Tôi đi cũng như mọi người thôi, nhưng cũng có chú ý làm tư liệu, mua sách vở về Tây Tạng cho nghiên cứu sau này. Tôi cũng có ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp về người Tây Tạng.
- Điểm chung của cuốn sách này với những sách trước của ông (chẳng hạn như: Tập tục đời người; Văn minh vật chất của người Việt…) đều là hiểu rõ quá khứ, lịch sử để ứng xử tốt hơn trong hiện tại? Đó có phải là ý hướng của ông khi chọn dịch cuốn sách này ra tiếng Việt? Ông có hướng đến nhiệm vụ “giữ gìn ý nghĩa chân thực của Phật giáo” trong quá trình dịch cuốn sách này?
Sau cuốn Tập tục Đời người, tôi bị đau đầu nặng, không thể viết được nữa và bị mất nhịp viết. Nên trong lúc Covid-19, khu vực nhà tôi, người ta rào chặt, tôi giở sách ra dịch chơi, ban đầu là dịch các tin bài về tình hình Covid-19 ở Trung Quốc và Ý, những nơi bị dịch nặng nhất. Tôi cũng có đưa một bài lên Facebook, nhưng không ai để ý cả. Sau đó chợt nghĩ mình đã làm được, nên tôi tập trung dịch cuốn sách này.
Hiện Phật giáo Kim cương thừa đang tái du nhập Việt Nam, tôi cũng muốn cung cấp cho những bạn mộ đạo một tài liệu như vậy, còn tôi không có và không định làm nhiệm vụ gì. Tôi nghĩ Phật giáo không phải là tôn giáo, mà chỉ là một con đường nhận thức – giác ngộ.
- Theo ông, việc hiểu về lịch sử Phật giáo cũng như hiểu sâu sắc, vững vàng về những giáo lý nhà Phật đóng vai trò như thế nào đối với việc tu tập của một người?
Thú thực, tôi không quan tâm đến tu tập tôn giáo, mặc dù tôi cũng có xác tín nội tâm riêng. Nói như Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không nhất thiết phải có tôn giáo mà cứ sống bằng đạo đức thế tục là đủ và tôn giáo nào cũng có giá trị, vì cũng đã độ cho hàng vạn con người. Đó là những lời nói rất đơn giản và sâu sắc. Tôi hiểu rằng không nên theo tôn giáo một cách mù quáng.
- Hiện nay, Phật giáo đang phổ biến hơn trong giới trẻ với nhiều khóa tu, podcast “chữa lành” và sách mang tinh thần Phật giáo. Tuy nhiên, việc tìm hiểu tài liệu Phật pháp xác thực rất cần thiết. Ông có kinh nghiệm gì về chọn lọc nguồn tài liệu có thể chia sẻ với các bạn trẻ?
Tôi thấy người ta dẫn ra rất nhiều câu nói, triết lý mà bảo đó là lời của Phật. Không ai suy xét xem, đúng là Đức Phật nói những gì, Kinh Phật thời cổ nhất là gì. Trong cuốn sách này, tác giả nói rất rõ những quan niệm trước Phật giáo, có từ các tôn giáo khác, như Ấn Độ giáo, Jaina giáo, Phật giáo ban đầu và sự chuyển hóa từ Phật giáo Ấn Độ lên Tây Tạng. Tôi không bàn về việc lựa chọn của ai về tín ngưỡng và cách thức tu tập, mà trân trọng sự lựa chọn cá nhân...
Về "Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng":
Qua 16 chương sách, tác giả đưa bạn đọc vào một “chuyến tham quan” ngoạn mục và lý thú: Bắt đầu bằng các nhóm biểu tượng tốt lành khác nhau của Phật giáo Tây Tạng; kế đến là những hình tượng động vật tự nhiên, thần thoại, biểu tượng vũ trụ; rồi cuối cùng "dừng chân" ở những nghi lễ thần bí của Kim cương thừa.
Với từng biểu tượng và mô típ, Robert Beer dùng những mô tả cô đọng cùng các nét vẽ tỉ mỉ và tinh xảo (có khoảng 100 minh họa mà Beer mất đến 8 năm để vẽ xong) - để làm sáng tỏ chi tiết, nguồn gốc và nhiều lớp ý nghĩa được chứa đựng trong chúng.
Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và lọt top 100 cuốn sách bán chạy nhất hạng mục “Nghệ thuật và Nhiếp ảnh tôn giáo” (Religious Arts và Photography) trên Amazon.