Dịch giả Saleem Hammad và ấn tượng đặc biệt với cuốn sách 'Võ Nguyên Giáp-Vị tướng của nhân dân'
Khi dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập, anh Saleem Hammad đã không ít lần rơi nước mắt khi hiểu được sự bình dị mà vĩ đại trong con người vị Đại tướng của nhân dân, cũng như hiểu vì sao người dân Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường đã làm nên chiến thắng phi thường trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.
“Người dân Palestine có lòng kính trọng đặc biệt với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”
Tôi gặp dịch giả Saleem Hammad vào một ngày Hà Nội vào thu, khi cả nước cùng hướng về Thủ đô với lòng tự hào và tinh thần phơi phới khi Lễ Quốc khánh, Tết Độc lập đang đến thật gần. Trên con phố trung tâm của Hà Nội, dưới sắc cờ rực rỡ, trong cái nắng óng ánh trong veo, bằng tiếng Việt rõ ràng, rành mạch, anh đọc cho tôi nghe những câu thơ tràn đầy xúc động:
Em có biết hòa bình giá bao nhiêu?
Là đánh đổi vô vàn giọt nước mắt
Máu cha ông nhuộm đỏ từng tấc đất
Tiễn chồng con tóc mẹ bạc trắng đầu…
Cho hôm nay một dãy núi liền sông
Những vết thương lùi xa vào quá khứ
Nhưng một điều em ơi xin hãy nhớ
Uống nước rồi, nhớ nguồn cội cha ông
Biết ghi ơn bao thế hệ anh hùng
Họ ngã xuống cho yên bình đất nước
Hãy trân trọng công lao người đi trước
Hòa bình này vô giá em biết không?
(Trích “Họ ngã xuống cho yên bình đất nước” – Tác giả Hà Anh)
Anh kể, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đối với anh cũng như biết bao người dân Palestine, Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… rất thân thuộc với người dân qua những câu chuyện, những bài học. Thắng lợi của Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như trong quá trình xây dựng đất nước, trước đây và bây giờ vẫn luôn tạo cảm hứng cho nhân dân Palestine tiếp tục xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều người dân Palestine có lòng kính trọng đặc biệt với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước chân vào đại học, chàng trai sinh năm 1993 này đã chọn Việt Nam là nơi học tập. Năm 2011, anh trở thành sinh viên Khoa Việt Nam học - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), và gắn bó với Việt Nam cho đến nay. Mang trong mình tình yêu Việt Nam nồng nàn và không hề giấu diếm, anh hóm hỉnh tự hào khoe với tôi rằng: “Tôi đã gắn bó với Việt Nam “hơn một giáp”!”.
Ngần ấy thời gian sống tại Việt Nam, Saleem Hammad yêu từng thứ nhỏ nhất gắn với Việt Nam và luôn giành sự kính trọng đặc biệt với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Saleem Hammad kể: “Năm 2013, khi vẫn còn là sinh viên, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi cũng hòa vào dòng người đưa tiễn Bác về nơi an nghỉ cuối cùng. Mặc dù biết rằng người dân Việt Nam giành cho Đại tướng rất nhiều tình cảm, song thời điểm đó, tôi không thể hiểu hết được rằng vì sao người dân Việt Nam lại kính trọng, yêu quý Đại tướng nhiều đến vậy. Sau này, khi đã ra trường, ở Việt Nam đủ lâu, và đặc biệt là khi vinh dự được dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả rập, tôi ngày càng hiểu hơn, tại sao vị tướng này lại có vị trí không thể thay đổi trong hàng triệu trái tim Việt Nam”.
ấn tượng mạnh với cuốn sách đặc biệt
Theo đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, xuất bản và giới thiệu bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” bằng tiếng Việt và 5 bản song ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Saleem Hammad vinh dự được mời dịch cuốn sách đặc biệt này sang tiếng Ả rập.
Lời mời ấy dù đặc biệt, hấp dẫn nhưng lại khá “căng” khi nhà xuất bản chỉ cho anh vẻn vẹn 2 tuần để dịch 234 trang sách với ăm ắp những những tư liệu và hình ảnh quý, chân thực, khắc họa sinh động chân dung bình dị mà cao cả về Đại tướng; tái hiện, làm nổi bật những sự kiện tiêu biểu, những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Dịp đó lại đúng vào tháng Ramadan – một dịp lễ quan trọng với người Hồi giáo, khi những người theo đạo Hồi thực hiện nhịn ăn vào ban ngày và cầu nguyện.
“Việc nhịn ăn khiến sức khỏe của tôi ít nhiều giảm sút. Thời điểm đó, công việc của tôi cũng bận rộn, nhưng vì tình yêu với Việt Nam, với Đại tướng, tôi quyết định nhận công việc đặc biệt ý nghĩa này” – anh Saleem Hammad chia sẻ.
Và 2 tuần đó là những tháng ngày không thể nào quên với Saleem Hammad khi anh như chìm trong những trang sách đặc biệt về vị Đại tướng đáng kính. Càng theo dõi cuốn sách, anh như càng bị cuốn theo những trận đánh lớn nhỏ, những chiến lược mà vị Đại tướng vĩ đại của Việt Nam đưa ra để cùng lực lượng quân đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Hai tuần ấy, cứ ban ngày Saleem Hammad làm công việc của mình tại Đại sứ quán Qatar, tối lại miệt mài bên từng trang sách, rồi cùng vợ hiệu đính từng trang. Đến khâu chuyển bản dịch sang phiên bản điện tử, do bộ phận kỹ thuật của Nhà xuất bản không biết tiếng Ả-rập nên Saleem Hammad phải trực tiếp đến đó hỗ trợ họ bốn ngày liên tục đến 3-4 giờ sáng mới được về nhà.
“Tôi bị cuốn theo khi theo dõi từng trận đánh nhỏ, luôn hồi hộp tự hỏi trận này sẽ kết thúc ra sao? Chiến thắng có thuộc về chính nghĩa hay không? Rồi nước mắt tự nhiên rơi cùng niềm vui vỡ òa trước chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Động lực đó giúp tôi quên đi mệt mỏi” – Saleem Hammad nhớ lại.
Sau từng trang sách, anh lại càng hiểu hơn sự vĩ đại của Việt Nam cũng như vì sao người dân Việt Nam luôn dành tình yêu đặc biệt cho Đại tướng. Với cuốn sách đặc biệt ý nghĩa này, anh ấp ủ mong muốn một phần trong hơn 400 triệu người dân Ả Rập sẽ đọc và hiểu về cuộc đời cũng như thành tựu to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho nhân dân Việt Nam cũng như cho nhân loại.
Hòa bình được đổi không chỉ bằng máu và nước mắt
Sau khi cuốn sách Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân hoàn thành, Saleem Hammad cũng tham gia vào hành trình cùng hàng triệu người dân Việt về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trực tiếp đến Điện Biên, Saleem Hammad thêm một lần nữa “ngả mũ thán phục” tinh thần của người Việt Nam. Bởi hiện nay, dù đường lên Điện Biên đã được trải nhựa, tốt hơn rất nhiều, song hành trình từ Hà Nội đến Điện Biên vẫn khiến chàng trai cao gần 1m90 không khỏi mệt mỏi. Vậy nhưng cách đây tròn 70 năm, dù chưa có đường lên đến Điện Biên, song những người lính bằng những dụng cụ vô cùng thô sơ đã cùng nhau vừa mở đường, vừa kéo pháo, vừa sẵn sàng dùng chính thân mình để làm giá đỡ đưa từng khẩu pháo lên đến chiến trường.
Càng đi, càng chứng kiến, lại nhớ về những hình ảnh, câu chữ từ cuốn sách, Saleem Hammad càng thêm cảm phục tinh thần nỗ lực chiến đấu phi thường của Quân đội Việt Nam trong điều kiện vô cùng gian khổ. Điều này đã chứng minh cho nhưng chiến lược tài giỏi và vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, cũng chứng minh việc Bác Hồ chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là chuẩn xác.
Giống như lần đã rơi nước mắt trên những trang sách về vị Đại tướng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, lần này, Saleem Hammad cũng rơi nước mắt. Anh rơi nước mắt vì hiểu trọn vẹn rằng hòa bình của Việt Nam ngày nay đã phải đánh đổi bởi không chỉ mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước, mà cả bởi sự hy sinh vĩ đại của những người mẹ, người cha đã có những đứa con ra đi mà không bao giờ trở lại.
Chia tay tôi rồi, Saleem Hammad còn lưu luyến kể: “Giữa tháng 7 vừa qua, tôi được Nhà Xuất bản quốc gia sự thật tiếp tục đặt hàng dịch cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang tiếng Ả rập. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp gáp nên tôi không thể nhận lời. Có lẽ là chưa đủ duyên… Tôi luôn muốn làm nhiều hơn nữa để góp sức mình kể những gì tôi biết, tôi yêu về Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Tháng 9 này, Saleem Hammad dành 1 tháng để trở về quê nhà. Khác với những lần về quê trước, lần này, trong hành trang của chàng trai Palestine ấy chắc chắn có thêm cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân” bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
“Tôi tin rằng, rất nhiều người dân Palestine nói chung và người dân Ả rập nói riêng sẽ đón nhận cuốn sách như một món quà đặc biệt và một nguồn tư liệu quý báu” - Saleem Hammad chia sẻ.
Dịch giả Saleem Hammad, người Palestine, hiện đang là cán bộ Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam. Anh từng được trang Arabianbusiness.com bình chọn là một trong 100 người Ả rập có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017. Anh cũng giành chiến thắng trước hơn 1.000 thí sinh để trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của Hà Nội năm 2019 và giành giải nhất cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội tổ chức năm 2020. Anh từng chia sẻ: “Tiếng Việt đã thay đổi cuộc sống của tôi một cách kỳ diệu”.
Phương Lan
Đồ họa: Ngọc Lan
Phương Lan - Ngọc Lan