Dịch sởi tăng cao, nhiều ca bệnh chưa tiêm vắc-xin

Thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (15-22/11), Thành phố ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi (tăng 3 ca so với tuần trước), trong đó 26 trường hợp chưa tiêm vắc-xin.

Tính từ đầu năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 115 trường hợp mắc sởi tại 25 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

CDC Hà Nội nhận định, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin. Trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.

CDC thành phố đã yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, và xử lý triệt để các khu vực có bệnh nhân.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát tiền sử tiêm chủng vắc-xin sởi của trẻ từ 1-5 tuổi để bổ sung tiêm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trẻ 7 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc-xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 496 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 4 ca so với tuần trước), tập trung tại các quận Hà Đông (47 ca), Nam Từ Liêm, Thanh Oai (42 ca), Đống Đa, Cầu Giấy (28 ca).

Cộng dồn từ đầu năm, thành phố ghi nhận 7.239 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023).

Ngoài ra, thành phố ghi nhận 29 ca tay chân miệng, 1 ca ho gà, trong khi các dịch bệnh khác như liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, rubella, Covid-19 không ghi nhận trường hợp nào.

Ngoài Hà Nội, dịch sởi bùng phát mạnh tại TP.HCM, ghi nhận 1.858 ca mắc và 3 ca tử vong từ đầu năm 2024. Ngoài ra, số ca mắc sởi từ các tỉnh khác chuyển đến thành phố lên đến 3.052 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Thành phố đã công bố dịch vào tháng 8 và triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, bao gồm cả đối tượng trẻ dưới 9 tháng tuổi (mũi tiêm "số 0"). Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn gia tăng, với hơn 200 ca mắc mới mỗi tuần trong thời gian gần đây.

Tại Đồng Nai, dịch sởi cũng diễn biến phức tạp, với 2.245 ca mắc và 1 trường hợp tử vong từ đầu năm 2024, tăng mạnh so với chỉ 3 ca cùng kỳ năm 2023.

Hơn 91,5% ca mắc sởi tại Đồng Nai chưa được tiêm vắc-xin, dù tỉnh đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (khoảng 80.000 người, tương đương 97%). Đáng chú ý, bệnh sởi tại đây cũng ảnh hưởng đến người lớn, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng.

Để ngăn chặn dịch bệnh, các tỉnh phía Nam đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, rà soát danh sách các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh sởi. Chính quyền địa phương tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng đầy đủ nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dich-soi-tang-cao-nhieu-ca-benh-chua-tiem-vac-xin-d230883.html