Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 30 tỉnh thành: Điều lo nhất hiện nay là gì?

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 30/34 tỉnh, thành với hơn 43.000 con lợn buộc phải tiêu hủy. Dù đã có vắc xin, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chủ quan, làm gia tăng nguy cơ dịch lan rộng trong mùa mưa bão.

30/34 tỉnh, thành phố có ổ dịch

Sáng 23/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và kiểm soát giết mổ động vật.

Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, tính từ đầu năm đến ngày 22/7, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch DTLCP tại 30/34 tỉnh, thành phố với hơn 42.000 con lợn mắc bệnh, hơn 43.000 con buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, hiện còn 256 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 26 tỉnh, dịch có xu hướng tăng nhanh tại các địa phương phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội… và khu vực duyên hải miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Trị.

Đáng lo ngại là phần lớn các ổ dịch tái phát tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô trung bình chỉ 50-60 con, điều kiện an toàn sinh học kém. Mặc dù Việt Nam nghiên cứu và lưu hành vắc xin phòng bệnh DTLCP cho lợn thịt, nhưng hiện tượng chủ quan, không tiêm phòng vẫn phổ biến. Một số người nuôi giấu dịch, bán chạy lợn hoặc vứt xác ra môi trường khiến virus lan rộng, đặc biệt trong mùa mưa bão - thời điểm virus có thể phát tán theo nguồn nước, gây ô nhiễm và lây nhiễm diện rộng.

Cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, xử phạt một số trường hợp vứt lợn chết ra môi trường. Song theo ông Minh, chế tài cần mạnh tay hơn, thực hiện thường xuyên để ngăn chặn vi phạm tái diễn.

Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ động vật vẫn còn nhiều lỗ hổng, một số cơ sở thu gom, giết mổ gia súc nghi mắc bệnh, vi phạm pháp luật thú y, trong khi lực lượng thú y cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã, còn rất mỏng.

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, nguyên nhân chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỉ lệ cao, không bảo đảm an toàn sinh học.

 ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&MT - cho biết, hiện một số lợn nhiễm bệnh là do chủng virus DTLCP genotype II và chủng genotype I+II - chủng lai giữa virus đang lưu hành ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi đó, vắc xin hiện có tại Việt Nam chỉ phòng được virus DTLCP genotype II . Với chủng genotype I+II, tỷ lệ miễn dịch trên lợn còn rất thấp và lợn bị nhiễm có thể chết rất nhanh.

Trước tình hình này, Bộ NN&MT đã đặt hàng viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhanh chóng phát triển vắc xin thế hệ mới, nhằm phòng chống hiệu quả chủng virus đang hoành hành.

Sẵn sàng hỗ trợ nếu lợn vẫn chết sau tiêm phòng

Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2023 đến nay, cả nước mới tiêm phòng được hơn 1 triệu con lợn tại 45 tỉnh, thành phố. Số lợn chết sau tiêm rất thấp, khoảng 0,1% (988 con), nguyên nhân chủ yếu là nhiễm virus trước đó hoặc sức đề kháng yếu do mắc bệnh nền. Thực tế này khẳng định hiệu quả, tính an toàn của vắc xin DTLCP và cho thấy đây là giải pháp khả thi trong kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng còn quá thấp so với tổng đàn lợn cả nước, khiến khả năng miễn dịch cộng đồng chưa được thiết lập. “Nếu không nâng cao tỷ lệ lợn được tiêm, nguy cơ dịch tái bùng phát là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết cực đoan, vận chuyển thiếu kiểm soát và sự tồn tại của nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày”, ông Minh cảnh báo.

Kinh nghiệm từ Quảng Ngãi cho thấy, tiêm vắc xin sớm và chủ động phòng dịch có thể giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - chia sẻ, từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 6, tỉnh này đã tiêu hủy hơn 8.000 con lợn. “Để khuyến khích người dân đẩy mạnh tiêm phòng, tỉnh khẳng định sẽ hỗ trợ thiệt hại nếu lợn vẫn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi sau khi tiêm phòng” - ông Hiền nhấn mạnh.

 Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra 30/34 tỉnh, thành phố. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra 30/34 tỉnh, thành phố. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, đẩy mạnh tiêm vắc xin lên 80% là một bước đi cấp thiết. Đây không chỉ là “lá chắn” để bảo vệ đàn lợn, mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì chuỗi cung ứng thịt an toàn, ổn định sinh kế cho người chăn nuôi và bảo vệ thị trường nông sản trong nước.

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-tai-30-tinh-thanh-dieu-lo-nhat-hien-nay-la-gi-post1762890.tpo