Dịch tả lợn châu Phi càn quét miền Bắc Italy
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Italy vào tháng 1/2022, nước này buộc phải tiêu hủy gần 120.000 con lợn, trong đó 75% số lợn bị tiêu hủy riêng trong 2 tháng qua do tình trạng khẩn cấp gia tăng.
Quyết định này được tiến hành theo các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng đe dọa ngành chế biến thịt lợn mang lại trị giá 20 tỷ euro (22 tỷ USD) của nước này.
Đầu tháng 9 vừa qua, nhà chức trách phát hiện 24 ổ dịch tả lợn châu Phi, chủ yếu tại tâm dịch - vùng Lombardy, miền Bắc Italy. Khu vực đáng lo ngại nhất, nơi bệnh đã được phát hiện ở lợn nuôi, trải rộng trên diện tích 4.500 km2 và bao gồm cả các vùng lân cận Piedmont và Emilia Romagna (miền Bắc), vùng nổi tiếng thế giới với món ăn trứ danh thịt giăm bông Parma hay còn gọi là thịt đùi lợn muối và sấy khô. Không những vậy, nông dân tại khu vực rộng 23.000 km2 cũng đối mặt với những biện pháp hạn chế do lợn rừng mắc bệnh hoặc nằm trong vùng đệm.
Ngành chế biến thịt lợn đem lại doanh thu 20 tỷ euro nhờ chuỗi cung ứng từ các trang trại nuôi lợn cho đến những nhà máy sản xuất thịt giăm bông. Tuy nhiên, Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti ước tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại 500 triệu euro đối với ngành này, chủ yếu do các lệnh cấm nhập khẩu, đồng thời cảnh báo một số nông dân có nguy cơ mất sinh kế.
Ngay khi dịch bệnh được xác nhận bùng phát tại Italy, 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico đã lập tức ban hành lệnh cấm nhập khẩu những món đặc sản từ thịt lợn Italy, bất kể các sản phẩm có được sản xuất ở khu vực bùng phát dịch bệnh hay không. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác hạn chế nhập khẩu.
Theo Hiệp hội chế biến thịt Assica, các lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu khiến Italy “thất thu” 20 triệu euro/tháng sau khi ghi nhận doanh thu 2,1 tỷ euro vào năm ngoái. Trong thư gửi Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Confindustria Ettore Prandini cảnh báo sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi đã lên đến mức báo động, không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của động vật mà còn của toàn bộ ngành chế biến thịt lợn.
Trước tình hình trên, Chính phủ Italy bổ nhiệm ông Giovanni Filippini làm Ủy viên đặc biệt để chỉ đạo đối phó với dịch bệnh. Ông Filippini áp đặt các hạn chế mới khi tiếp cận các trang trại và vận chuyển động vật, đồng thời mở rộng vùng đệm. Các biện pháp dường như đang có tác dụng. Tại Lombardy, chỉ có một ổ dịch mới bùng phát được báo cáo trong tuần cuối của tháng 9.
Giới chuyên gia đánh giá đây là dấu hiệu tích cực, song chưa phải là “chiến thắng”. Các trang trại cần duy trì điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt, giúp đảm bảo sức khỏe của vật nuôi, từ đó đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân trong khi hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trong tương lai.