Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều trường mầm non ở Hà Nội tạm dừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều trường ở Hà Nội tạm dừng việc nhập thịt lợn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 12 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Dù thịt lợn trong bức ăn của học sinh do đơn vị cung cấp vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng để phòng dịch và đảm bảo an toàn sức khỏe cho các cháu nhỏ, một số trường mầm non ở Hà Nội đã dừng việc đưa món thịt lợn vào thực đơn bữa ăn hàng ngày.
Cô Nguyễn Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non Đống Đa cho biết, khi biết dịch tả lợn đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành, trường đã tạm dừng món thịt lợn trong bữa ăn của trẻ. Món ăn này không có trong thực đơn của trẻ từ thứ 3 (26/2) tuần trước. Nhà trường bổ sung các món khác thay thế như tôm, bò, gà, trứng...
Theo bà Liên, dù ngành chức năng và chuyên gia đều nhận định dịch tả lợn không lây sang người nhưng vì dịch bùng phát lớn, nhưng trường vẫn tạm dừng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các cháu. Việc này nhận được sự đồng ý của nhiều phụ huynh.
Trường mầm non Vinschool mới đây cũng thông báo tới các phụ huynh về việc dừng cho trẻ ăn thịt lợn. Thông báo nêu rõ, ngay khi có thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trường đã giảm lượng thịt lợn trong thực đơn hằng ngày của học sinh.
Để phòng dịch và đảm bảo an toàn cho học sinh, Trường Mầm non Vinschool Times City tạm dừng sử dụng thịt lợn trong thực đơn của học sinh từ ngày 11/3/2019 đến khi dịch được kiểm soát. Thịt lợn sẽ được thay thế bằng các loại thực phẩm khác như tôm, cá, ngao, lươn, thịt bò, thịt gà..
Cô Nguyễn Thị Thu Hải, Hiệu trưởng trường Mầm non Canada cho hay, trường đã ngừng nhập thịt lợn từ tuần trước.
Một số trường khác cũng giảm lượng thịt trong bữa ăn của trẻ. Như tại Trường mầm non Hàng Đào (Hà Đông), nhà trường vẫn cho học sinh ăn thịt lợn, nhưng lượng đã giảm còn 2 bữa một tuần. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phúc khẳng định thực phẩm vào trường được nhập từ những công ty lớn, uy tin đảm bảo nên vẫn cho các con ăn bình thường.
Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 9/3, dịch lan ra 12 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Ninh Bình.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.