Dịch tay chân miệng: Gần 9.000 ca mắc trong 5 tháng, sắp có thêm thuốc điều trị trường hợp nặng
Số mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Bộ Y tế vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây biến chứng nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch "ăn sạch uống sạch, ở sạch"; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bên cạnh đó, kịp thời cấp, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Tháng 7, 8 sẽ có thêm thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng
Ngày 5/6, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp.
Sau khi rà soát, Cục Quản lý dược thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng như sau:
Thuốc chứa Immunoglobulin
Hiện nay, có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc Immunoglobulin tồn và có kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam bao gồm:
Thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8/2023, nhà sản xuất tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.
Thuốc Immunoglobulin người 5% do Công ty Trách nhiệm hữu hạnThương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) còn tồn 300 lọ. Dự kiến cuối tháng 7, nhà sản xuất cung ứng cho Việt Nam 5.000-6.000 lọ.
Thuốc Phenobarbital
Hiện nay, có một loại thuốc Phenobarbital do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit, là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt.
Báo cáo của công ty cho biết sẽ có 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200mg/ml) về Việt Nam vào đầu tháng 7/2023.
Để bảo đảm công tác cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh.
Đồng thời, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động liên hệ với cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm nguồn cung về thuốc.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kiểu gen B5 của EV71 - tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
EV71 có khả năng gây ra các biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim và suy hô hấp. Kiểu gen B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan - Trung Quốc vào năm 2007. Tại thành phố Hồ Chí Minh, kiểu gen này đã xuất hiện vào năm 2015, 2018.
Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại đại bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22. Theo đó, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc tay chân miệng trong tuần 19.
Bên cạnh đó, theo quy luật, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (khoảng 2 đến 3 tuần tới) và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.
HCDC cảnh báo, trong những tháng tới, thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn nếu không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả 2 bệnh này ngay từ bây giờ.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo HCDC tập huấn lại công tác phòng chống dịch cho các Trung tâm Y tế, trạm y tế; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến quận huyện phường xã trong các hoạt động chuyên môn. Đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các cơ quan đơn vị và mỗi gia đình tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết.