Dịch tay chân miệng tiếp tục 'nóng'

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó.

Các nốt phỏng nước do tay chân miệng thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân và bên trong miệng của trẻ... Ảnh minh họa

Các nốt phỏng nước do tay chân miệng thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân và bên trong miệng của trẻ... Ảnh minh họa

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Con số này tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tháng 4 và 5 là cao điểm của bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Để kiểm soát dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch.

Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh mùa Hè như: Tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella…

Cùng với đó, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại Cầu Giấy, Thanh Oai, Hoàng Mai, Thường Tín, Mỹ Đức, Long Biên. Tiếp tục giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong trường học, lễ hội...

Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối; hoặc những dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu chi.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ chuyển độ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh mức độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Có 3 dấu hiệu trẻ cần nhập viện, tránh bệnh trở nặng. Đầu tiên là trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị. Trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 tiếng đồng hồ và thuốc hạ nhiệt paracetamol không có tác dụng.

Dấu hiệu thứ hai là trẻ giật mình nhiều. Thứ ba là trẻ quấy khóc dai dẳng. Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dich-tay-chan-mieng-tiep-tuc-nong-post680615.html