Dịch viêm da nổi cục không lây sang người sao người dân Hà Tĩnh vẫn 'né' thịt bò?!
Mặc dù Bộ NN&PTNT đã khẳng định bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người nhưng nhiều người tiêu dùng Hà Tĩnh vẫn hạn chế sử dụng loại thịt này khiến các tiểu thương kinh doanh lâm vào cảnh ế ẩm.
Người dân ngại sử dụng thịt bò khiến hoạt động mua bán loại thực phẩm này trên thị trường Hà Tĩnh giảm mạnh.
E ngại khi sử dụng sản phẩm thịt trâu, bò
Hơn 1 tháng trở lại đây, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò bùng phát diện rộng trên địa bàn tỉnh. Tâm lý lo lắng, kiêng dè khiến không ít người tiêu dùng đã “quay lưng” với thịt trâu, bò.
Chị Phan Thị Xuân (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thịt bò vốn là loại thực phẩm chính trong gia đình nhưng khi thấy dịch viêm da nổi cục diễn biến phức tạp, tôi rất lo lắng nên đã quyết định cho cả nhà kiêng thịt bò một thời gian, đổi sang các món ăn khác”.
Nhiều quầy bán thịt bò ở chợ TP Hà Tĩnh phải giảm lượng hàng nhập về vì ế ẩm.
Chung tâm lý như chị Xuân, chị Trần Thị Hường (xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Tôi có nghe thông tin là dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây bệnh sang người nhưng gia đình vẫn chọn món khác thay thế. Tâm lý người nội trợ dễ bị tác động và thường chọn phương án an toàn cho gia đình”.
Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng phải giảm lượng hàng nhập về hoặc cắt hẳn loại thực phẩm này ra khỏi thực đơn. Anh Nguyễn Xuân N. - chủ quán ăn tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho hay: “Thị bò là món chính trong chế biến đồ ăn sáng của quán tôi nhưng hiện nay, do dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nên người dân đến quán ít hẳn. Bình thường, trung bình một ngày quán lấy từ 7 - 10kg bò tươi các loại thì nay chỉ lấy về khoảng 3kg”.
Nhiều tiểu thương không nhập thịt bò về để bán như trước mà chỉ kinh doanh mỗi thịt lợn.
Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh khiến hoạt động kinh doanh thịt trâu, bò tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh ảm đạm, lượng thịt bán ra “nhỏ giọt”, thậm chí một số tiểu thương đã phải “treo quầy”, tạm nghỉ bán.
Chị Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Bò được giết mổ đều là những con bò khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch tại các lò giết mổ trên địa bàn. Thế nhưng, do tâm lý nên nhiều người dân vẫn quay lưng với thịt bò. Trước khi có dịch bệnh viêm da nổi cục, mỗi ngày, quầy của tôi bán ra từ 90 - 100 kg nhưng một tháng trở lại đây chỉ tiêu thụ được 10 - 20kg. Buôn bán ế ẩm quá nên ai cũng nhập hàng về ít, có người còn nghỉ tạm quầy vì thịt bò nếu bán không hết là lỗ ngay”.
Đảm bảo nguồn thịt trâu, bò an toàn ra thị trường
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho biết: “Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra. Vi rút này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò.
Hiện nay, các địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn. Hơn 45.000 liều vắc-xin đã được nhập về, tiến hành tiêm phòng ở các điểm “nóng” của loại dịch bệnh này. Cùng đó, công tác kiểm dịch ở các lò mổ để cung ứng thịt đến thị trường cũng được chú trọng hơn nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn cho người tiêu dùng”.
Trâu, bò được kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu về sức khỏe, nguồn gốc sau đó mới đem đi giết mổ.
Ông Trương Hữu Hà - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh cho biết: “Quy trình kiểm tra sức khỏe gia súc, kiểm soát giết mổ, chất lượng thịt luôn có sự giám sát của cán bộ kiểm dịch. Bò được nhập về và lưu lại để kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu về sức khỏe, nguồn gốc sau đó mới tiến hành giết mổ.
Tiểu thương khi lấy thịt được xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ để chứng minh sản phẩm được kiểm soát nguồn gốc. Vì thế, người dân có thể yên tâm sử dụng thịt tại lò mổ xuất ra các chợ dân sinh, điểm kinh doanh khi đã qua kiểm dịch, có đóng dấu của cơ quan chức năng”.
Khi lựa chọn thịt trâu, bò, người tiêu dùng nên chú ý kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như: màu sắc, mùi, độ săn chắc...
Để đảm bảo sức khỏe, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt có nguồn gốc tại chợ dân sinh, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch, tránh các điểm kinh doanh hàng rong dọc đường.
Khi mua, người dân cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi.