Dịch vụ chiếu sách đô thị được thực hiện theo phương thức đấu thấu hoặc đặt hàng

Dịch vụ chiếu sách đô thị, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công hoặc danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

Dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ công cộng, trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng. Ảnh: S.T

Dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ công cộng, trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng. Ảnh: S.T

Theo kiến nghị của cử tri Quảng Bình, để đảm bảo ổn định trong hoạt động sản xuất và áp dụng phương thức đặt hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới đầu tư phương tiện cơ giới hóa trong công tác thu gom rác thải, nâng cao chất lượng phục vụ các sản phẩm dịch vụ công. Mặt khác, theo Điểm b, Khoản 4, Điều 2 Nghị định 63/2014/ND-CP nêu rõ: để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu thì “Nhà thầu với chủ đầu tư bên mời thầu không có cổ phần hoặc góp vốn trên 30% của nhau”. Như vậy, nếu không thực hiện đặt hàng mà thực hiện đấu thầu thì khi các công ty có vốn nhà nước trên 30% tham dự sẽ không đảm bảo cạnh tranh (công ty nhà nước đang nắm giữ 81,4% vốn điều lệ).

Vì vậy, cử tri Quảng Bình đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 5, Nghị định 32/2019/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và trong từng thời kỳ.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định 32 thì các nhóm dịch vụ (dịch vụ chiếu sáng đô thị; dịch vụ thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng) mà cử tri Quảng Bình nêu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công hoặc danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo phương thức đấu thấu hoặc đặt hàng; kế thừa quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP (thuộc danh mục dịch vụ không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng).

Đồng thời, Nghị định số 32 đã quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (Điều 7); điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (Điều 12); điều kiện đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (Điều 17).

Do đó, Bộ Tài chính cho biết, trường hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định tại nghị định thì thực hiện đặt hàng; trường hợp không đáp ứng các điều kiện thì thực hiện đấu thầu theo quy định tại Điều 16 (Quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước) và Điều 21 (Quy định về đấu thầu sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) của Nghị định 32.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 26 Nghị định 32 quy định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ các quy định chung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích tại Chương II và Chương III nghị định này (bao gồm cả nội dung tại các mẫu kèm theo nghị định), để quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (nếu thấy cần thiết) cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 32 đế quy định chi tiết về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (nếu thấy cần thiết) cho phù hợp với yêu cầu quản lý cùa địa phương, tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện./.

Minh Đức

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-13/dich-vu-chieu-sach-do-thi-duoc-thuc-hien-theo-phuong-thuc-dau-thau-hoac-dat-hang-92199.aspx