Dịch vụ cho thuê xe đạp được giới trẻ Hà Nội yêu thích
Với mục tiêu đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy phát triển du lịch, từ ngày 11/8, dự án 'Xe đạp công cộng Hà Nội' đã được triển khai đến 78 trạm xe trên địa bàn 6 quận nội thành Hà Nội và nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút thuê xe là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Người dân cũng có thể thuê xe theo tháng, cước phí từ 150.000 đồng cho 60 giờ sử dụng trở lên trong tháng, giới hạn 4 chuyến/ngày với tổng thời lượng sử dụng không quá 120 phút/ngày.
Hệ thống thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Giá thuê xe đạp được đánh giá không quá đắt nhưng cũng không quá rẻ đối với sinh viên.
Ghi nhận tại trạm xe đạp tại đường Văn Cao (quận Ba Đình), sau khi dịch vụ cho thuê xe đạp được triển khai, nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú, muốn trải nghiệm đạp xe trên những cung đường Hà Nội.
Bạn Nguyễn Huy Hiệu (sinh viên trường Đại học Y dược Thái Nguyên) tỏ ra thích thú khi xuống Hà Nội chơi vào đúng dịp dịch vụ xe đạp công cộng TNGo mới ra mắt: “Em mới biết dịch vụ xe cho thuê này được 2 ngày trên quảng cáo. Em thấy dịch vụ này rất tiện, đặc biệt là cho những người khó khăn về phương tiện đi lại. Mình có thể đi một đoạn đường dài với chi phí rất rẻ, 5000 đồng trong nửa tiếng đồng hồ. Em thấy dịch vụ này rất tiện”.
Thường sử dụng xe đạp ở trạm TNGo gần nhà, bạn Trần Văn Thắng (sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ: “Chỉ với vài thao tác đơn giản, chúng ta có thể mở khóa chiếc xe đạp và đi đến bất cứ đâu mà chúng ta muốn. Thay vì một chiếc xe máy, có thể xả thải ra môi trường, chúng ta có thể đi xe đạp để bảo vệ môi trường. Và bên cạnh đó, cũng có thể nâng cao sức khỏe cho bản thân”.
Những ngày này, khách hàng đã bắt đầu có những trải nghiệm thú vị với mô hình xe công cộng giá rẻ này. Theo đó, để sử dụng, người dùng bấm vào nút mở khóa trên ứng dụng và quét mã QR gắn trên xe để mở khóa và bắt đầu chuyến đi. Đặc biệt, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ.
Các hệ thống trạm để xe được xây dựng theo các điểm xe buýt, điểm lên xuống tàu điện, gần các trường học, các trung tâm thương mại, du lịch, các vườn hoa công cộng… Mỗi trạm diện tích 10-15 m2, cho 10-20 xe theo từng ô.
Để tránh mất cắp, thất lạc, mỗi xe đạp được gắn thẻ ID định danh và khóa thông minh trên phương tiện có khả năng cảnh báo khi chạy quá thời gian, không trả... Thông qua phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển.
Tuy nhiên, dự án này chưa được nhiều người lớn tuổi lựa chọn bởi họ chưa thành thạo các thao tác thuê xe tại ứng dụng trên điện thoại di động. Ông Trường Đình Nam (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Hình thức thuê xe này có vẻ hợp với giới trẻ hơn, vì chúng tôi không quen với việc thuê xe trên điện thoại. Chưa kể, việc thuê xe này còn phải nạp tiền và liên kết rất loằng ngoằng”.
Bên cạnh đó, ý thức của người sử dụng dịch vụ cũng là một bài toán đau đầu đối với mô hình dịch vụ công cộng. Theo ghi nhận tại một số điểm thuê xe, các phương tiện giao thông như ô tô vẫn đậu lấn vào vạch kẻ dành riêng cho các xe đạp cho thuê này.