Dịch vụ đổi tiền lẻ lại 'nóng' khi Tết Nguyên đán cận kề
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng trên các chợ mạng online, dịch vụ đổi tiền lẻ đã bắt đầu 'bung lụa' và đang dấn trở nên náo nhiệt. Điều đáng nói là dịch vụ này các năm gần đây đang rất hút khách.
Nhằm tránh gây lãng phí trong việc lưu thông tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên đán, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có tuyên bố sẽ siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
Chính điều này đã làm cho dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán ngày càng nở rộ, đặc biệt trên môi trường số, online. Việc đổi tiền lẻ trên chợ mạng vẫn luôn được công khai. Không những thế, các “thượng đế” chỉ cần ngồi nhà, bấm điện thoại giao dịch, việc còn lại sẽ có nhân viên đến tận nơi giao dịch sòng phẳng. Trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lì xì” hoặc “đổi tiền lẻ” ngay lập tức sẽ hiển thị hàng chục kết quả trong đó có cả các trang Fanpage hoặc các nhóm với các tên như “đổi tiền mới”, “đổi tiền lì xì”…. và nhiều bài đăng đổi tiền trên các nhóm chợ online khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
Anh T.V (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, nguồn tiền lẻ khan hiếm trong dịp Tết mấy năm nay một phần là do Ngân hàng không phát hành tiền lẻ dịp này như trước nữa. Trong khi nhu cầu của mọi người đổi tiền các mệnh giá thấp rất lớn chính vì vậy mà tạo nên sự khan hiếm và phí đổi tiền cũng cao lên nhiều. Nhiều khi phí cao quá mà khách hàng có nhu cầu thì anh giới thiệu sang đổi “tiền lướt” độ mới chỉ khoảng 80% nhưng chi phí mềm hơn, chỉ từ 2-3% cho các mệnh giá.
Chị H (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ, năm nào tôi cũng phải đi đổi tiền lẻ để tiêu Tết. Nào là tiền lì xì, con cháu đông, tiền đi lễ chùa cầu may… Ngày trước tôi còn có người quen trong ngân hàng nhờ đổi được, giờ thì chịu. Đành phải đổi tiền dịch vụ mất phí. Tết nhất mà không có tiền lẻ để mừng tuổi và đi lễ chùa cũng không được. Như năm nay, dịch bệnh kinh tế khó khăn, chị phải lên kế hoạch đổi sớm từ giờ, bởi theo kinh nghiệm của chị càng cận Tết việc đổi được tiền càng khó mà có khi giá còn bị đẩy lên cao gấp nhiều lần.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.