Dịch vụ du lịch Cần có cách tiếp cận mới với du lịch tâm linh
Đánh giá lại thực tế
Mùa Phật đản 2022 đã qua. Lễ hội bốn mùa lần đầu được tổ chức nên đây cũng là lần đầu mà Đại lễ Phật đản được đưa vào chương trình; hướng đến xây dựng thành một lễ hội tâm linh lớn của tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch. Quan trọng là làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch Cố đô, làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn đa dạng và đặc trưng của Huế.
Nhưng xét về khía cạnh thu hút khách du lịch, qua mùa Phật đản 2022 cho thấy một điều rằng, lượng khách du lịch đến Huế để tham gia các hoạt động là không nhiều. Theo đánh giá của nhiều khách sạn, lượng khách đến Huế tham gia các hoạt động dịp lễ Phật đản lưu trú tại khách sạn rất ít. Các tour hành hương mùa Phật đản gần như không được các doanh nghiệp (DN) triển khai; các tour du lịch về tâm linh cũng chưa được tổ chức như kỳ vọng.
Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên tỉnh phân tích, cách tiếp cận và các giải pháp thu hút khách bằng lễ Phật đản ở tỉnh ta đang có những vấn đề nhất định. Chẳng hạn như với lễ Phật đản, sẽ không có quan niệm chùa lớn, hay chùa nhỏ đối với Phật tử mà là nơi gửi gắm niềm tin. Do đó, vào mùa Phật đản, các Phật tử sẽ ở lại địa phương của mình để tổ chức các hoạt động. Các Phật tử sẽ không đi du lịch vào những ngày này, kể cả những tour hành hương. Còn khách không theo đạo Phật sẽ không quan tâm nhiều đến các hoạt động. Do đó, nói rằng để thu hút khách du lịch tâm linh trong những ngày lễ hội tâm linh được tổ chức chung trong cả nước, hay trên thế giới là điều rất khó.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh lý giải, trước đây có một số DN đã xây dựng, khai thác tour du lịch tâm linh, tour hành hương, nhưng khả năng quảng bá, đầu tư cho loại hình du lịch này chưa tốt. Các tour chủ yếu là khai thác những gì đang có. Các chương trình chưa có sự đầu tư thỏa đáng. Điều này sẽ rất khó vì ở các điểm đến (chùa, đình, đền, miếu…) cơ bản không có nhiều dịch vụ, như ăn chay, lưu trú; xung quanh lại không có dịch vụ bổ trợ.
Trước đó, ngành du lịch đã phối hợp với một số địa phương, DN du lịch tiến hành khảo sát đánh giá, tìm hướng mới cho du lịch tâm linh. Nhưng đến nay, loại hình du lịch này cơ bản vẫn chưa có nhiều chuyển biển mới về sản phẩm, lẫn khả năng thu hút khách.
Cũng phải nói thêm, sự thống nhất và sẵn sàng của các điểm đến cần được bàn sâu hơn. Hiện chỉ có một số ngôi chùa, đình, miếu có phối hợp, triển khai các giải pháp để đón khách du lịch, còn đại đa số chưa có sự thống nhất để kinh doanh du lịch.
Cần có cách tiếp cận mới
Phải khẳng định rằng, du lịch tâm linh là thế mạnh của Huế. Theo những người trong cuộc, xét về tiềm năng, ở Huế không chỉ có Phật giáo mà rất nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến các lễ tế đàn, lễ hội điện Huệ Nam, đền Huyền Trân công chúa… đủ khả năng thu hút khách. Trong du lịch tâm linh, sẽ rất đa dạng các dịch vụ cần có là lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền, yoga; dịch vụ vận chuyển; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian…
Ông Trần Hữu Cửu góp ý, với du lịch tâm linh cần tổ chức thành một sự kiện, lễ hội riêng, vào một khung thời gian nào đó mà các địa phương khác không có. Khi đó, mới có thể kích thích những tour hành hương đến vùng tâm linh. Khi tổ chức cần quảng bá, cho du khách biết điểm đến có giá trị tâm linh thật sự, vì ở Huế vẫn đang còn có sự dè chừng về điều này.
Ông Vũ Văn Chương cho rằng, trước hết cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc để định hướng, xây dựng các phương án, thống nhất lựa chọn các điểm đến có thể khai thác du lịch. Sau đó DN mới có thể mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm. Ngoài ra, ông Chương cũng nhấn mạnh cần tổ chức các sự kiện riêng biệt cho lễ hội tâm linh vào thời gian phù hợp, có tính khuếch trương hơn để làm nổi bật điểm đến. Tiếp đến cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu và có thêm các dịch vụ đa dạng, như ẩm thực, quà lưu niệm…
Một đầu việc khác không kém phần quan trọng là, xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh cần theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh, hướng đến độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh đó. Đồng thời, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch cho hay, hiện ngành đang rà soát, thống kê lại tất cả các sản phẩm liên quan đến du lịch tâm linh. Định hướng của ngành là bên cạnh sản phẩm tâm linh liên quan đến tôn giáo, phát triển các sản phẩm gắn với Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong thời gian đến đẩy mạnh hơn các chương trình tâm linh gắn với nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, thiền. Ngành sẽ có những cơ chế, vận động các doanh nghiệp mở các homestay gần các điểm tâm linh, mở thêm các dịch vụ bổ trợ mà trong các điểm tâm linh không thể khai thác.