Dịch vụ du lịch Nhiều giải pháp kích cầu du lịch
Phát triển du lịch đêm
Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch nội địa đến Huế khá đông sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và người dân tiêm đủ liều vắc-xin phòng dịch, tạo động lực cho các cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư nâng cấp hạ tầng, phát triển các tour tuyến du lịch mới để hấp dẫn khách. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường khách du lịch quốc tế vẫn được các đơn vị trông chờ nhiều nhất, bởi du khách nước ngoài có mức chi tiêu cao tại các điểm đến và thời gian lưu trú kéo dài. Cùng với sự chuẩn bị của ngành du lịch, TP. Huế đã và đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch và các lễ hội nhằm tạo thêm nhiều điểm đến và thu hút khách.
Khởi động chương trình kích cầu du lịch trên địa bàn, TP. Huế đưa vào khai trương phố đêm Hoàng thành Huế bắt đầu từ tối 22/4 với thời gian hoạt động từ 19 đến 23 giờ các ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Thí điểm tại 2 tuyến đường Lê Huân và 23 Tháng 8, các hoạt động ở phố đêm nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Huế thông qua các hoạt động mô phỏng lễ hội triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, hoạt động lễ hội đường phố, mua sắm đặc sản Huế, giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khám phá ẩm thực Huế của du khách và người dân.
Thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, triển khai các đề án phát triển du lịch đêm nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực đêm. Trong đó, tập trung nguồn lực, lên phương án chuẩn bị đưa Phố ẩm thực đêm Trương Định vào hoạt động dịp 30/4, 1/5 tới nhằm kết nối các không gian văn hóa khu vực bắc và nam sông Hương, tạo điểm nhấn độc đáo về du lịch, thu hút sự tham gia của người dân và du khách nhằm góp phần kích cầu du lịch, dịch vụ. Hiện thành phố đang xây dựng đề án Phố đi bộ đường Hai Bà Trưng đảm bảo hoàn thành để đưa vào hoạt động trước dịp 2/9 tới, nhằm đa dạng các hoạt động du lịch - dịch vụ trên địa bàn trong thời gian tới.
Song song với Phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố ẩm thực Trương Định và Phố đi bộ Hai Bà Trưng khi đưa vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa về mặt tạo cảnh quan cho khu vực hai bờ sông Hương, mà còn góp phần hình thành thêm các địa điểm vui chơi, giải trí, kết nối với các hoạt động dịch vụ lân cận để làm phong phú thêm các điểm du lịch vào dịp cuối tuần.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, phát triển kinh tế đêm là hoạt động mang tính điểm nhấn du lịch, góp phần đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đồng thời, xây dựng Huế trở thành đô thị di sản quốc gia theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường” theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Hoạt động này nhằm khai thác, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; tạo ra các điểm đến về đêm để níu chân du khách.
Nhiều chương trình, lễ hội
Bên cạnh những sản phẩm du lịch mới sắp ra mắt phục vụ du khách, hưởng ứng Festival Huế 2022 gắn với định hướng Festival bốn mùa, UBND TP. Huế và phường Thuận An đang lên phương án chuẩn bị tổ chức Festival Thuận An Biển gọi 2022, dự kiến diễn ra liên tục trong 5 ngày cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây là hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức hai năm một lần nhằm giới thiệu, quảng bá với du khách về đời sống văn hóa, tiềm năng kinh tế du lịch và phong cảnh hữu tình gắn liền với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn thành phố.
Cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế ở các bãi tắm trên địa bàn phường Thuận An, thành phố tiếp tục phát triển diện tích rừng ngập mặn, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, đồng thời duy trì và phát huy thế mạnh về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng tại Rú Chá, xã Hương Phong. Để giải quyết việc đậu đỗ xe tránh gây ách tắc giao thông, hiện UBND xã Hương Phong đang làm việc với đơn vị tư vấn nghiên cứu, đầu tư bãi đỗ xe khu vực Rú Chá.
Hiện, thành phố đã và đang triển khai dự án đầu tư hệ thống điện chiếu sáng tại 13 xã, phường mới sáp nhập, trong đó trọng tâm là các xã Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, phường Thuận An… để hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân phát triển dịch vụ du lịch về đêm.
Ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng sẵn có, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các địa phương mới sáp nhập, thành phố tiến hành các quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch, dịch vụ vùng đầm phá và ven biển của thành phố, trong đó triển khai nghiên cứu để hình thành các tour, tuyến du lịch mới đặc sắc ở Hải Dương - Rú Chá - Cồn Tè - Thuận An; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch ở xã Hương Thọ, Thủy Bằng; khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm ở Hương An, Hương Vinh… Từ đó, sẽ hình thành chuỗi dịch vụ, du lịch khép kín, kết hợp với thế mạnh vốn có của ngành du lịch thành phố là du lịch di sản văn hóa với du lịch khám phá nghỉ dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả du lịch, trong điều kiện mới khi công tác phòng, chống dịch bệnh cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" để chủ động đầu tư hạ tầng cơ sở, vận hành trở lại các dịch vụ du lịch trên địa bàn.