Dịch vụ gọi xe - kẻ rao bán ảo tưởng về một nền kinh tế bóc lột
Uber Technologies là một trong những startup lớn nhất trong lịch sử công nghệ hiện đại, nhưng tồn tại dựa trên những ảo tưởng và hành vi bóc lột người lao động.
Trên Medium.com, nhà phân tích Brian Merchant nhận định Uber hay Lyft và các công ty thuộc "nền kinh tế tạm bợ" (gig economy) không hẳn là doanh nghiệp, mà thực tế là những thực thể chuyên rao bán ảo tưởng. Ban đầu, Uber và Lyft tự mô tả bản thân là các công ty "chia sẻ chuyến đi" và là một phần quan trọng của "nền kinh tế chia sẻ" đang bùng nổ.
Uber cung cấp dịch vụ "sang trọng" còn Lyft hướng về "sự thoải mái, thân thiện với môi trường". Cả hai tự quảng bá rằng đây là dịch vụ vận chuyển hành khách hiệu quả, thân thiện với các thành phố và giúp giảm tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, ảo tưởng đầu tiên đó sụp đổ.
Phần lớn các chuyến đi của Uber và Lyft là chở một hành khách. Theo báo Washington Post, khảo sát của hãng giao thông Mỹ Fehr & Peers hồi năm 2019 tại Boston, Chicago, Los Angeles, San Francisco và Seattle cho thấy hoạt động của Uber và Lyft khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông trở nên nghiêm trọng hơn.
Ảo tưởng nối tiếp ảo tưởng
Các công ty này còn cam kết phát triển một "mô hình công việc mới", theo đó người lao động là "đối tác độc lập", làm việc theo giờ giấc linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân. Đó cũng là một thứ ảo tưởng nguy hiểm. Theo khảo sát hồi tháng 7/2019 của Đại học California Berkeley, hơn 50% tài xế lái xe của các ứng dụng gọi xe tại thành phố New York làm việc toàn thời gian.
Khảo sát năm 2020 của Viện Nghiên cứu Lao động và Việc làm Mỹ (IRLE) tại một số thành phố Mỹ cũng cho thấy đa phần tài xế Uber và Lyft sống phụ thuộc vào hai nền tảng này. Khoảng 72% tài xế làm việc toàn thời gian coi đây là nguồn thu nhập duy nhất.
Vấn đề là Uber và Lyft sử dụng các thuật toán để buộc tài xế phải tuân thủ những quy định về đón, trả khách để được nhận đủ thu nhập hoặc thay đổi mức giá để ép tài xế làm việc trong những múi giờ cụ thể. Do đó, họ phải làm việc hàng ngày và bị giám sát nghiêm ngặt, không hề được hưởng sự linh hoạt như Uber và Lyft quảng cáo.
Uber và Lyft thu hút các nhà đầu tư bằng kế hoạch mở rộng toàn cầu, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường để rồi kiếm lợi nhuận quy mô lớn. Ảo tưởng đó sụp đổ nhanh chóng. Sau một thập kỷ, cả Uber và Lyft đều chưa sinh lợi. Uber đến nay đã đốt hơn 10 tỷ USD tiền đầu tư.
Các startup này khẳng định sẽ tạo nhiều công ăn việc làm ở thành thị, cung cấp những lựa chọn giao thông mới. Nhưng các công việc mà Uber và Lyft tạo ra có chất lượng và thu nhập thấp. Tài xế của hai hãng phải làm nhiều giờ trong ngày và chỉ kiếm được mức lương bèo bọt.
Khảo sát của Đại học California cho thấy thu nhập của tài xế Uber tại Mỹ chỉ khoảng 20.000 USD/năm, thua xa mức thu nhập trung bình của người lao động Mỹ (khoảng 33.700 USD hồi năm 2018). Trong khi đó, tài xế taxi truyền thống bị Uber và Lyft đẩy ra bên lề, rơi vào cảnh nghèo khó. Và các thành phố ở Mỹ vẫn tắc nghẽn.
Ảo tưởng lớn nhất mà Uber và Lyft rao bán là trong vài năm tới, các ứng dụng gọi xe sẽ cung cấp dịch vụ xe tự hành hoàn toàn. Nhà phân tích Merchant cho rằng đây không chỉ là ảo tưởng, mà còn là sự điên rồ. Công nghệ xe tự lái vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, một số xe tự lái thử nghiệm của Uber đã gây tai nạn chết người.
Trong DNA của Uber và Lyft có quá nhiều mơ mộng hão huyền, đến mức các nhà đầu tư quên mất rằng yếu tố quan trọng nhất giúp các công ty này hoạt động là người lao động. Họ phải nai lưng làm việc để Uber và Lyft mở rộng thị trường, nhưng được đền bù ít nhất. Sau khi Uber và Lyft IPO, các doanh nhân sáng lập và nhà đầu tư ban đầu lập tức trở thành tỷ phú.
Đã đến lúc mô hình sụp đổ
Ngược lại, các tài xế chỉ kiếm được chưa đầy 10 USD/giờ, và đa phần phải sống trong cảnh khó khăn. Thông thường, nhân viên các công ty được trả lương tối thiểu, tiền ngoài giờ, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ bệnh có lương... Tài xế Uber, Lyft và các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tương tự không hề có những quyền lợi cơ bản đó.
Tuần trước, Tòa án Cấp cao California ra phán quyết buộc Uber và Lyft phải công nhận các tài xế là "nhân viên chính thức" thay cho "đối tác độc lập". Điều đó đồng nghĩa với việc Uber và Lyft phải đảm bảo các phúc lợi cho tài xế. Quy định này sẽ được thực thi từ ngày 20/8. Uber và Lyft dọa sẽ ngừng hoạt động tại California.
Điều đáng mỉa mai là ngay trước đó, CEO Uber Dara Khosrowshahi viết bài xã luận trên báo New York Times, khẳng định rằng "người lao động trong nền kinh tế tạm bợ xứng đáng được hưởng nhiều hơn". Thay vì thực hiện tuyên bố đó, Khosrowshahi sẵn sàng rút khỏi California.
Uber, Lyft và những người ủng hộ chúng vẫn bám vào ảo tưởng cuối cùng. Đó là lập luận rằng mô hình kinh doanh mới này rất linh hoạt và mang tính cách mạng, do đó cần được tồn tại bên ngoài biên giới của luật lao động cơ bản. Rằng các quy định cũ không phù hợp. Rằng chính phủ cần mở quỹ hỗ trợ lao động tạm bợ vì các startup như Uber và Lyft tạo quá nhiều công ăn việc làm.
Nhưng sự thật, như rất nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, mô hình kinh doanh của Uber hay Lyft không có gì mới mẻ. Hai startup này thực chất chỉ là các công ty cung cấp dịch vụ taxi, tự đánh bóng bản thân bằng một ứng dụng có giao diện thân thiện, dựa trên công nghệ GPS có từ nhiều thập kỷ qua, rồi vin vào yếu tố "công nghệ" để đòi qua mặt các quy định về lao động.
Ảo tưởng đó giúp Uber, Lyft và các công ty "kinh tế tạm bợ" tương tự huy động hàng chục tỷ USD tiền đầu tư trong một thập niên qua. Nhưng mọi ảo tưởng đang dần vỡ vụn. Thành thật một cách đáng ngạc nhiên, Lyft tuyên bố sẽ không đủ kinh phí hoạt động nếu phải tuân thủ quy định của bang California.
Theo nhà phân tích Merchant, chúng ta nên cảm thấy mừng khi sự thật về Uber, Lyft và các startup "kinh tế tạm bợ" được phơi bày. Bởi nếu mô hình này trở thành tiêu chuẩn kinh doanh phổ thông, chúng ta sẽ đối mặt với một tương lai vô cùng ảm đạm. Ở đó, hàng trăm triệu lao động phải làm việc cật lực để nhận mức lương bèo bọt và sống đời bấp bênh, còn ông chủ các nền tảng ngày càng giàu sụ.
Uber, Lyft và hãng giao đồ ăn DoorDash đang cố cứu vãn tình thế bằng cách chi 100 triệu USD để vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại California vào tháng 11 tới về quy định công nhận tài xế là nhân viên chính thức. "Các công ty này chỉ thành công nếu chúng ta tiếp tục mù quáng tin vào những ảo tưởng mà họ rao bán", nhà phân tích Merchant khẳng định.