Dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam hướng tới mục tiêu 1.000 tỷ USD

Sự hiện diện của các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán mang lại cho các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán nhiều cơ hội đầu tư và đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả. Sản phẩm tài chính phong phú cũng giúp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, đồng thời tạo điều kiện mở rộng các dịch vụ quản lý tài sản.

Dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển

Dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển

Định hình dịch vụ quản lý tài sản

Dịch vụ quản lý tài sản từ lâu đã là một mảng kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới và đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam nhờ sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập bình quân đầu người cải thiện. Các công ty chứng khoán trong nước đã và đang triển khai nhiều dịch vụ quản lý tài sản, từ quản lý danh mục đầu tư, tư vấn tài chính… đến quản lý quỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của nhà đầu tư. Tuy vậy, loại hình dịch vụ này còn tồn tại một số hạn chế, chất lượng dịch vụ có sự chênh lệch giữa các đơn vị cung cấp, tùy thuộc vào quy mô, kinh nghiệm đội ngũ tư vấn và mức độ đầu tư, ứng dụng công nghệ.

Ông trần Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

Ông trần Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

Về khung pháp lý, Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định công ty chứng khoán được cấp phép nghiệp vụ môi giới chứng khoán “được cung cấp dịch vụ nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân”, nhưng phạm vi nhận ủy thác bị giới hạn, không bao gồm “nhận ủy thác quyết định toàn bộ giao dịch trên tài khoản giao dịch chứng khoán thay mặt cho nhà đầu tư cá nhân”, mà chỉ có thể nhận ủy thác thực hiện theo các điều kiện cụ thể như loại chứng khoán giao dịch, khối lượng hay giá trị giao dịch tối đa, phương thức và loại lệnh giao dịch. Những ràng buộc này khiến việc phát triển các sản phẩm quản lý tài sản chuẩn hóa, linh hoạt trở nên khó khăn. Do đó, dịch vụ môi giới và tư vấn đầu tư vẫn chiếm ưu thế, trong khi nhà đầu tư có nhu cầu quản lý tài sản chuyên sâu thường có xu hướng tìm kiếm các hình thức giao kết, thỏa thuận cá nhân với ưu điểm về tính linh hoạt và sự nhanh chóng, dù tiềm ẩn rủi ro pháp lý nếu thiếu quy định chặt chẽ.

Ngoài ra, hoạt động của công ty chứng khoán chủ yếu xoay quanh các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng như một số loại giấy tờ có giá và sản phẩm phái sinh khác, dẫn đến xu hướng định hướng nhà đầu tư vào các kênh này. Trong khi đó, quản lý tài sản theo nghĩa rộng cần bao gồm cả tài sản phi tài chính, phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu dài hạn của khách hàng.

Hiện tại, các công ty chứng khoán đang nỗ lực cải thiện dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, nhưng thiếu số liệu cụ thể để so sánh hiệu quả hay mức phí giữa các đơn vị. Điểm sáng là xu hướng tích hợp công nghệ tiên tiến và hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), cảnh báo tự động, xác thực giao dịch, cập nhật dữ liệu thời gian thực... Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ từ công nghệ đến chất lượng nhân sự, dẫn đến trải nghiệm khách hàng chưa đồng đều.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán

Mục tiêu quy mô thị trường quản lý tài sản đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2027 là tham vọng nhưng khả thi nhờ sự gia tăng nhu cầu tích lũy tài sản và đầu tư tài chính.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, sớm nhất vào tháng 9/2025, kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu gia tăng về phân bổ vốn đầu tư gián tiếp vào tài sản tài chính từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ước tính, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể đạt quy mô 30 tỷ USD vào năm 2030 sau nâng hạng. Để tận dụng cơ hội này, khối công ty chứng khoán cần tập trung vào 3 hướng chính để có thể mở rộng hoạt động.

Một là, nâng cấp hạ tầng công nghệ để xử lý khối lượng giao dịch tăng vọt, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, cải thiện quy trình nội bộ, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn nhân sự để đáp ứng yêu cầu khắt khe của dòng vốn ngoại.

Hai là, cần tăng cường nguồn vốn để phát triển các sản phẩm mới như giao dịch T0, bán khống, phái sinh nâng cao, các sản phẩm cấu trúc và giao dịch ký quỹ phức tạp vốn được kỳ vọng triển khai sau khi hệ thống KRX đi vào hoạt động.

Ba là, nâng cao chất lượng dịch vụ và các sản phẩm nghiên cứu, phân tích thị trường để thu hút khách hàng mới, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp.

Nâng hạng thị trường không chỉ mang lại cơ hội về dòng vốn, mà còn là dịp để công ty chứng khoán khẳng định uy tín và vị thế. Do đó, để khai thác triệt để tiềm năng, các công ty chứng khoán cần theo dõi sát sao tiến trình nâng hạng, cập nhật chính sách liên quan và nhanh chóng thực hiện các cải tổ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư, từ đó gia tăng thị phần và uy tín.

Hướng tới tới mục tiêu 1.000 tỷ USD vào năm 2027

Mục tiêu quy mô thị trường quản lý tài sản đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2027 là tham vọng nhưng khả thi nhờ sự gia tăng nhu cầu tích lũy tài sản và đầu tư tài chính tại Việt Nam. Tuy vậy, việc thiếu các sản phẩm chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với các công ty chứng khoán và đơn vị cung cấp dịch vụ. Để khắc phục điểm này, các công ty chứng khoán và đơn vị cung cấp dịch vụ cần triển khai các giải pháp đồng bộ.

Trước hết, cần phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với đặc điểm văn hóa và nhu cầu của người Việt. Ví dụ, các sản phẩm tích lũy dài hạn như quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ đầu tư định kỳ với lợi ích rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận sẽ thu hút tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh và đảm bảo tăng trưởng bền vững của thị trường.

Thứ hai, đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đội ngũ chuyên gia và tư vấn viên cần được đào tạo bài bản, trang bị kiến thức sâu rộng để hiểu rõ nhu cầu khách hàng và phát triển các sản phẩm tài chính hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp với thị trường nội địa.

Thứ ba, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, blockchain và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ hỗ trợ phân tích xu hướng thị trường, dự báo chính xác, từ đó thiết kế các sản phẩm phù hợp, sáng tạo như token hóa tài sản hay robo-advisor, giúp giảm chi phí và tăng tính minh bạch. Các nền tảng quản lý tài sản trực tuyến cũng cần nâng cao tính minh bạch, tiện ích và bảo mật để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư.

Cuối cùng, cơ quan quản lý cần điều chỉnh khung pháp lý linh hoạt hơn, cho phép các công ty chứng khoán phát triển các sản phẩm mới như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ phòng hộ hay chứng khoán hóa nợ. Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế cho các sản phẩm dài hạn cũng có thể khuyến khích dòng tiền chảy vào thị trường.

Tóm lại, để cải thiện chất lượng sản phẩm, các công ty chứng khoán cần kết hợp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nhân sự, ứng dụng công nghệ và tận dụng hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Đây sẽ là chìa khóa để thị trường quản lý tài sản Việt Nam không chỉ mở rộng quy mô, mà còn nâng tầm vị thế trong khu vực.

Trần Việt Hưng / Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dich-vu-quan-ly-tai-san-tai-viet-nam-huong-toi-muc-tieu-1000-ty-usd-post369024.html