ESG – 'Bộ lọc mới' cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam

Các nhà đầu tư quốc tế nhận định Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn phát triển bền vững toàn cầu nhưng cơ hội này chỉ thực sự trở thành lợi thế dài hạn khi có chiến lược phát triển rõ ràng…

Hội nghị Đầu tư ESG 2025.

Hội nghị Đầu tư ESG 2025.

Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025 lần thứ ba mới diễn ra tại TP.HCM, do Raise Partners và Vietnam Innovators Digest tổ chức, đã tập trung thảo luận các chiến lược khai thác tiềm năng thị trường nội địa và xu hướng đầu tư mới. Trong đó, thực hành ESG được xác định là yếu tố then chốt để thu hút vốn FDI và mở rộng thị trường xuất khẩu bền vững cho Việt Nam.

SỰ HỢP TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ, NHÀ ĐẦU TƯ VÀ XÃ HỘI

Theo ông Văn Lý, Đối tác tại Raise Partners, trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, ba yếu tố: sự thay đổi của thị trường, tính rõ ràng về ESG và các cải cách khu vực tư nhân như Nghị quyết 68 của Chính Phủ sẽ mang đến những cơ hội chuyển đổi cho Việt Nam.

Tuy nhiên, để các yếu tố trên có thể kết hợp hiệu quả cần có sự góp sức của các tổ chức, hợp tác quốc tế. “Chuyển đổi toàn cầu hướng tới Net-Zero chỉ có thể đạt được khi các nhà đầu tư, chính phủ và xã hội dân sự có sự hợp tác chặt chẽ. Australia tiếp tục hỗ trợ nhiều sáng kiến tại Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân song song với nguồn vốn chính phủ để đạt được những kết quả có tính tác động cao.”, Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM, nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, các nhà đầu tư quốc tế nhận định Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn phát triển bền vững. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội và tạo lợi thế dài hạn, Việt Nam cần sớm xác lập chiến lược phát triển rõ ràng cho thập kỷ tới.

"Chuyển đổi toàn cầu hướng tới Net-Zero chỉ có thể đạt được khi các nhà đầu tư, chính phủ và xã hội dân sự có sự hợp tác chặt chẽ. Australia tiếp tục hỗ trợ nhiều sáng kiến tại Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân song song với nguồn vốn chính phủ để đạt được những kết quả có tính tác động cao", Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM, nhấn mạnh.

Theo ông Craig Martin, Chủ tịch Quỹ Dynam Capital đang hoạt động tại Việt Nam, ESG sẽ là “bộ lọc không thể thiếu” trong mọi quyết định đầu tư của Quỹ . Ông Craig dẫn con số trong hơn 1.650 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, Quỹ chỉ theo dõi khoảng 25 công ty có cam kết ESG rõ ràng.

Chúng tôi không đầu tư vì đam mê hay lợi nhuận ngắn hạn, mà tìm kiếm những doanh nghiệp có tư duy dài hạn, minh bạch và cải thiện liên tục,” ông nhấn mạnh.

Ông Graig lấy dẫn chứng một số doanh nghiệp như PNJ, Gemadept đã chủ động thành lập ủy ban ESG, cải thiện báo cáo carbon và tăng cường quan hệ với nhà đầu tư. Ngược lại, không ít doanh nghiệp bị loại khỏi danh mục vì thiếu hành động cụ thể.

Ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, ESG cũng định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị. Peter Hauggaard, Giám đốc Ecolean Việt Nam, chia sẻ việc tích hợp yếu tố ESG từ nguyên liệu đến bao bì và xử lý rác thải là chiến lược dài hạn chứ không đơn thuần là cải tiến kỹ thuật.

“GIỜ LÀ LÚC DOANH NGHIỆP CẤT CÁNH

Ở chiều ngược lại, để xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt cũng đang gặp không ít thử thách khi các thị trường quốc tế đang đưa ra những quy định về bền vững. Bà Mimi Vũ, Đồng sáng lập kiêm Đối tác của Raise Partners, nhận định:

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng và triển khai chính sách ESG cần bám sát định hướng phát triển quốc gia, đồng thời đáp ứng các yêu cầu pháp lý quốc tế về thẩm định. Đây chính là chìa khóa và cơ hội để tăng trưởng và vươn ra thị trường toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa mạng lưới đối tác thương mại.

Trước đó tại Diễn đàn ESG tháng 4, các chuyên gia cảnh báo loạt quy định mới của EU về phát triển bền vững, đặc biệt là Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD) và Chỉ thị Thẩm định phát triển bền vững (CSDDD), đang tạo áp lực ngày càng lớn lên doanh nghiệp Việt Nam – nhất là các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng châu Âu.

Hai chỉ thị này yêu cầu doanh nghiệp đánh giá toàn diện tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Dù không bắt buộc nhưng đối với các công ty ngoài EU như Việt Nam cần tự nguyện áp dụng những chỉ thị nói trên để duy trì khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Bảo Nguyễn, sáng lập Green Transition:Hub, việc tuân thủ ESG đang trở thành ưu tiên hàng đầu, không chỉ để tránh gián đoạn sản xuất mà còn bảo vệ quan hệ đối tác lâu dài. Trên thực tế, tính bền vững đã trở thành “mệnh lệnh kinh doanh” toàn cầu.

Báo cáo năm 2024 của KPMG, 250 tập đoàn lớn nhất thế giới đã tích hợp ESG vào hoạt động, trong khi Liên minh đầu tư bền vững toàn cầu cho biết giá trị tài sản bền vững được quản lý đã vượt hơn 30 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Một khảo Khảo sát của Kearney (2024) cũng ghi nhận 92% Giám đốc tài chính đang có kế hoạch tăng đầu tư vào lĩnh vực này.

Việc tuân thủ chuẩn ESG của EU nói riêng không chỉ giúp doanh nghiệp Việt giữ vững chỗ đứng tại thị trường châu Âu, mà còn là bước đầu để mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường toàn cầu khác có yêu cầu tương tự”, ông Bảo Nguyễn nhận định.

Một thách thức khách đối với thị trường Việt Nam là ESG hiện vẫn chủ yếu hiện diện ở các tập đoàn lớn và quỹ ngoại. Các chuyên gia cho rằng, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ cần được hỗ trợ mạnh về tiếp cận tài chính xanh, rút gọn tiêu chí đánh giá ESG, cải cách thuế và đào tạo kỹ năng số để vượt qua rào cản thực thi.

Để đạt được mục tiêu dài hạn này, các chuyên gia đồng thuận rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục, năng lượng tái tạo và hạ tầng cho lực lượng lao động, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.

Phiên thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025

Phiên thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025

Tuy nhiên theo bà Mimi Vũ, Nghị quyết 68 – với quy định hỗ trợ và khuyến khích tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân triển khai các dự án ESG – là bước tiến quan trọng trong hoàn thiện khung pháp lý phát triển bền vững. “Chính phủ đã tạo đường băng, giờ là lúc doanh nghiệp cất cánh”, bà nhấn mạnh.

Như Quỳnh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/esg-bo-loc-moi-cho-dong-von-dau-tu-vao-viet-nam.htm