Xây dựng bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả sau sáp nhập
Trên tinh thần chủ động, cầu thị và trách nhiệm, tỉnh Hà Giang đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị cần thiết phục vụ quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu 'ổn định - thông suốt - hiệu quả' trong tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị sau sáp nhập.

Một góc thành phố Hà Giang nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: baohagiang.vn
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, trụ sở làm việc tại địa phương được tiến hành đồng bộ, bài bản, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và định hướng phối hợp với tỉnh Tuyên Quang - địa phương cùng tham gia tiến trình sáp nhập.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang cho biết: Đến nay đã có 17/18 cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các đơn vị tương ứng ở Tuyên Quang để thống nhất phương án hợp nhất tổ chức, phân công nhiệm vụ, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trang thiết bị. Đây là tiền đề quan trọng để bộ máy tỉnh mới đi vào vận hành ngay sau khi có quyết định chính thức, không gây gián đoạn hoạt động quản lý Nhà nước hay ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Hơn 54% cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục làm việc tại địa bàn Hà Giang
Một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu là phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại địa bàn sau sáp nhập. Hà Giang dự kiến có 1.134/2.071 người, chiếm hơn 54,7%, sẽ tiếp tục làm việc tại địa bàn Hà Giang để duy trì công tác chuyên môn. Đặc biệt, 11/19 cơ quan, đơn vị có trên 50% quân số làm việc tại Hà Giang; trong đó có 3 đơn vị giữ lại 100% nhân sự do tính chất công việc đặc thù. Song song, khoảng 937 người sẽ được bố trí làm việc tại địa bàn tỉnh mới. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý với 80 vị trí các cấp cũng đang được xây dựng phương án sắp xếp đảm bảo nguyên tắc hài hòa, khách quan.
Đồng hành cùng nhiệm vụ tổ chức lại bộ máy là công tác chuẩn bị trụ sở làm việc, phương tiện, điều kiện sinh hoạt cho cán bộ tại cả hai địa phương. Hà Giang chủ trương giữ nguyên một số cơ sở hạ tầng hiện có đối với những lĩnh vực đặc thù như giáo dục, y tế, tài chính…nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng phục vụ.
Tại Hội nghị nghe báo cáo tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị khi sáp nhập tỉnh vừa tổ chức vào ngày 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc nhấn mạnh: “Việc sắp xếp nhân sự phải thực hiện theo tinh thần khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng. Phải giữ vững đoàn kết, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; đồng thời củng cố sự thống nhất nội bộ, tạo nền tảng cho chuyển tiếp vững vàng cả về tư duy và hành động”.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp rà soát chặt chẽ số lượng cán bộ làm việc tại từng địa bàn; có phương án cụ thể về chỗ ăn ở, đi lại, sinh hoạt, đặc biệt với những cán bộ công tác xa nhà. Những trường hợp nghỉ hưu, thôi việc cần được giải quyết dứt điểm, minh bạch. Trụ sở làm việc cũ được yêu cầu quản lý nghiêm, tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Tư duy đồng thuận - Bước đệm cho một tương lai hành chính hiện đại
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc cho biết, quá trình chuẩn bị đang được tiến hành trên tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng nhưng quyết liệt. Tất cả các phương án đều được xây dựng sát với tình hình thực tiễn, linh hoạt trong tổ chức nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật và chỉ đạo chung từ Trung ương. Quan trọng hơn cả là tạo được tâm thế ổn định và đồng thuận trong đội ngũ cán bộ trước giai đoạn chuyển tiếp.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là cơ hội để tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hà Giang xác định, nếu được thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ để hệ thống chính quyền hoạt động chuyên nghiệp hơn, phục vụ người dân tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Trên cơ sở đó, Hà Giang tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác, đồng thuận cùng tỉnh bạn để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả. Với tinh thần phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa Hà Giang và Tuyên Quang - một nền tảng bền vững cho thành công của tiến trình sáp nhập. Điều đó cũng cho thấy sự trưởng thành, bản lĩnh và tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết của đội ngũ cán bộ, công chức hai địa phương.
Có thể nhận thấy rằng, nếu thực hiện tốt, quá trình sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách mà còn mở ra không gian liên kết vùng, nâng cao chất lượng điều hành, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hà Giang, bằng sự chủ động và cầu thị, đang góp phần xây dựng hình ảnh một chính quyền hành động, dám làm và làm đến nơi đến chốn.
Trong hành trình ấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ là người thực thi mà còn là người truyền niềm tin. Chính niềm tin, sự ổn định và tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết sẽ là điểm tựa vững vàng cho một khởi đầu mới - nơi bộ máy không chỉ “đủ đầy” mà còn “vận hành tốt”, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.