Dịch vụ thương mại - Động lực phát triển khu vực nông thôn

Những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển từ nông nghiệp sang dịch vụ thương mại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Nhờ đó, thương mại nội tỉnh đã có bước phát triển mạnh ở cả ba khu vực: Thành thị, nông thôn, miền núi. Hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng phát triển mạnh; đặc biệt là chợ vùng nông thôn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chợ Trung tâm (Việt Trì) là nơi trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thực phẩm.

Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 197 chợ; trong đó có ba chợ hạng một, chín chợ hạng hai, 113 chợ hạng ba, 72 chợ hàng bốn với vài chục nghìn điểm kinh doanh đang hoạt động ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Tính đến nay, tỉnh có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị và một số cửa hàng tiện ích mua hàng theo phương thức tự chọn; hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ, các loại hàng hóa có mặt tại các vùng nông thôn được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn của cá nhân. Cùng với đầu tư xây dựng chợ, các địa phương tập trung quy hoạch, khuyến khích nhân dân hình thành các tuyến phố thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị và đầu tư các công trình kho tàng, bến bãi để thúc đẩy giao thương buôn bán giữa các vùng miền, khắc phục sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, đồng thời tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Cách làm này đã mở ra hệ thống cung ứng hàng hóa mang tính chuyên nghiệp, ổn định, bước đầu giúp người dân nông thôn tiếp cận với phong cách mua sắm tiêu dùng hiện đại.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các huyện, thành, thị đã tiến hành rà soát toàn bộ các nội dung theo tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, từ đó đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hạng mục còn thiếu. Ngoài việc chú trọng đầu tư, xây mới chợ theo đúng quy hoạch, các địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương, chỉ ra những hạn chế của các chợ dân sinh trên địa bàn để khắc phục, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Diện tích của các chợ từ khoảng 3.000m2 đến trên 21.000m2, trung bình mỗi hộ kinh doanh ở chợ khoảng 5m2. Nhiều chợ đã được đầu tư các khu thương mại, dịch vụ tập trung như chợ Trung tâm (Việt Trì), chợ Mè (thị xã Phú Thọ), chợ Sơn Vi (Lâm Thao), chợ Hoàng Xá (Thanh Thủy) là nơi trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau màu, cây vụ đông, thịt gia súc, gia cầm.

Nhiều cửa hàng đã được mở dọc hai bên TL.317E địa bàn xã Hoàng Xá (Thanh Thủy), góp phần cho hoạt động dịch vụ thương mại của xã phát triển.

Mặc dù không có mấy lợi thế về “cận thị, cận giang”, nhưng ngay sau khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp Quốc lộ 70B đoạn đi qua địa bàn huyện Yên Lập 66km đã đưa nhịp sống của người dân nơi đây sôi động hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, một số dự án, công trình lớn, cụm công nghiệp được đầu tư đi vào hoạt động; khai thác hiệu quả bền vững các sản vật đặc trưng như lúa nếp Gà Gáy Mỹ Lung, sản xuất tinh dầu quế ở Trung Sơn, trồng cây gỗ lớn, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến chè đã tạo bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là thương mại dịch vụ ở Yên Lập.

Hoạt động thương mại nông thôn bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của người dân về mọi mặt hàng hóa ở địa bàn nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ thương mại còn chậm phát triển, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn nhiều bất cập. Đầu tư xây dựng chợ nông thôn và các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ được quan tâm nhưng hiệu quả thấp do chưa phù hợp phong tục tập quán, không thuận lợi về giao thông...

Để hoàn thành mục tiêu phát triển dịch vụ thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tại mỗi địa phương; đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm được sản xuất tại nông thôn thông qua các kênh phân phối, xúc tiến thương mại cũng như kêu gọi đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của người dân, nâng cao hiệu quả liên kết “bốn nhà”, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất và kinh doanh.

Trong thời gian tiếp theo, Sở Công thương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như: Sản xuất với thu mua; chế biến với bảo quản, lưu thông, tiêu thụ, phát triển các cửa hàng tiện ích; đẩy mạnh thông tin và xúc tiến thương mại, tạo lập môi trường thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư, khai thác hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.Tăng cường các hoạt động tìm kiếm thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn. Tổ chức giao thương, hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Duy trì vận hành website giới thiệu nông sản tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa được sản phẩm nông sản vào hệ thống tiêu thụ có uy tín. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về phục vụ ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tái định cư gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/dich-vu-thuong-mai-dong-luc-phat-trien-khu-vuc-nong-thon/187813.htm