Dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam chậm phát triển vì thiếu cáp quang biển
Theo chuyên gia, kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định khiến dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng.
Hội nghị về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây với chủ đề “Phát triển tương lai số bền vững” do Viettel IDC (thuộc Tập đoàn Viettel) tổ chức diễn ra sáng nay (18-3) tại Hà Nội.
Đánh giá về thị trường trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (cloud computing) tại Việt Nam, Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho biết, dịch vụ trung tâm dữ liệu đang có sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) về các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) và dự báo sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, nhưng lại luôn đi sau các nước, cụ thể, xét ở quy mô thị trường, Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia. Trong các năm 2020-2023, dịch vụ trung tâm dữ liệu tại các nước Indonesia, Malaysia tăng trưởng 6 lần, Việt Nam chỉ tăng 1,5 lần.
Về nguyên nhân, ông Hoàng Văn Ngọc cho biết, Việt Nam có các động lực để phát triển thị trường này (giá nhân lực rẻ, chi phí xây dựng rẻ hơn, quy mô dân số đông…) nhưng lại có một số rào cản nhất định. Một trong số đó là kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định khiến dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng.
Hiện, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó tập trung phát triển hạ tầng cáp quang biển và 5G. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn Viettel, VNPT, FPT tham gia đầu tư các dự án cáp quang biển với mục tiêu tăng cường khả năng kết nối cáp quang biển đi quốc tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định.
Cùng với đó, Viettel vừa trúng đầu thầu băng tần dành cho 5G khẳng định cam kết của nhà mạng phủ sóng 5G toàn quốc từ nay đến hết năm 2025, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số mạnh mẽ hơn nữa.
Về thị trường điện toán đám mây, sau thời gian phát triển nóng, hiện trong giai đoạn 2022-2023 đã bị chững lại. Nguyên nhân do các doanh nghiệp, tổ chức sau khi thực hiện chuyển dịch vụ lên đám mây, có xu hướng tối ưu chi phí, song đó chỉ là xu hướng ngắn hạn. Thị trường điện toán đám mây được dự báo sẽ phục hồi quý IV-2024 và giai đoạn 2025-2026 sẽ phục hồi đi lên.
Hiện quy mô thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam cũng chỉ bằng trên 50% so với một số nước ở khu vực. Song Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 khu vực châu Á (tăng 19% năm 2023) và dự báo đến năm 2030, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12%...