Điểm báo 18/6: Có nên kéo dài việc bán vàng bình ổn?

Có nên kéo dài việc bán vàng bình ổn?; Cấp thiết đưa thuế GTGT phân bón về mức 5%; Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 vẫn bộn bề khó khăn; Chứng chỉ hành nghề: không để phát sinh tiêu cực;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 18/6.

CÓ NÊN KÉO DÀI VIỆC BÁN VÀNG BÌNH ỔN? (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Chương trình bán vàng bình ổn xem như đã thành công bước đầu khi nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Song càng bán vàng bình ổn, cơn khát vàng dường như càng cao...Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhu cầu sở hữu vàng của người dân vẫn rất cao. Nhiều chuyên khẳng định, các giải pháp về bán vàng bình ổn, hay trước đó nữa là đấu thầu vàng chỉ là những biện pháp tình thế để trị cơn nóng sốt thị trường vàng. Thị trường vàng muốn đi vào ổn định dài lâu phải sửa đổi nhanh Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cũng theo bài viết, từ khi có Nghị định 24 thì thị trường vàng trong nước đã ổn định, không còn “cơn sốt” giá vàng và vàng không còn là công cụ thanh toán trong nền kinh tế. Tuy nhiên đã qua hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

CẤP THIẾT ĐƯA THUẾ GTGT PHÂN BÓN VỀ MỨC 5% (VOV)

Ngay từ khi được triển khai thực hiện, Luật thuế 71, đã bộc lộ khá nhiều bất cập khi đưa phân bón từ đối tượng đang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% về đối tượng không chịu thuế GTGT, khiến giá phân bón trong nước tăng lên, từ đó doanh nghiệp sản xuất phân bón lâm vào khó khăn, còn nông dân phải gồng gánh chi phí sản xuất cao…

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, việc phân bón không chịu thuế GTGT như Luật thuế 71 hiện hành không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nông dân mà còn ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra của Việt Nam. Với giá tăng cao do chính sách thuế GTGT bất hợp lý khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế. Do vậy đề nghị, Cần thiết phải đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

XUẤT KHẨU HÀNG HÓA NĂM 2024 VẪN BỘN BỀ KHÓ KHĂN (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đã góp phần quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm 2024.

Phân tích về những khó khăn, thách thức mà xuất khẩu hàng hóa đang phải đối mặt, theo báo Kinh tế và đô thị, Xuất khẩu tuy phục hồi tích cực nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới chưa phục hồi như kỳ vọng. Bên cạnh đó, xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số nền thị trường lớn; các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường…

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ: KHÔNG ĐỂ PHÁT SINH TIÊU CỰC (GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Việc Ban soạn thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghề dạy học. Đối với Nhà nước và xã hội, chứng chỉ hành nghề sẽ phân định rõ nhà giáo chính danh với nhà giáo tự xưng. Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường giáo dục hình thành. Đối với nhà giáo, có chứng chỉ hành nghề, đồng nghĩa việc khẳng định được vị thế trong xã hội rằng, mình là người chuyên nghiệp trong nghề dạy học. Có được chứng chỉ hành nghề, nhà giáo sẽ có những quyền được quy định rất rõ trong Luật Nhà giáo. Quyền cơ bản đầu tiên là, tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-18-6-co-nen-keo-dai-viec-ban-vang-binh-on-226017.htm